Chu Hảo
Ngày
nay ít ai còn nghi ngờ rằng những thành tựu tuyệt vời của khoa học và
công nghệ đã không làm cho Trái đất-ngôi nhà chung của chúng ta tươi đẹp
hơn, Xã hội loài người trở nên nhân bản hơn, và Con người có cuộc sống
hạnh phúc hơn... ít ra là so với kỳ vọng của nhân loại từ sau thời Phục
hưng (TK 14) và nhất là sau thời kỳ Khai sáng (TK 18). Văn minh vật chất
rõ ràng ngày càng cao, nhưng văn minh tinh thần có vẻ như đang xuống
thấp, nhất là nhìn từ góc độ văn hóa-đạo đức xã hội. Tri thức tràn trề
mà vẫn Vô minh, lòng trắc ẩn không còn đủ để ngăn ngừa sự Vô cảm. Ở phương Đông cũng thế mà phương Tây cũng thế; nước giầu và nước nghèo đều thế cả; xứ mình cũng không phải là ngoại lệ...
Hơn 2500 năm trước Đức Phật đã chứng ngộ và tuyên giảng Tứ diệu đế (Bốn
sự thật cao minh) là : KHỔ (mọi nỗi khổ đau đều có nguyên nhân), TẬP
(nguyên nhân gây nên khổ đau là tham, sân, si), DIỆT (có thể loại trừ
được các mầm độc gây nên khổ đau ấy) bằng ĐẠO (tu hành tâm linh tích
cực). Nếu mọi người trên thế gian này đều làm được đúng điều Phật dạy
thì cõi Niết bàn ngay trên trần gian này đã có từ lâu. Tiếc thay số
người tin vào điều Phật dạy không nhiều, những người thực sự làm theo
Phật chắc chắn là ít hơn, số tu hành tâm linh đến mức chứng ngộ còn hiếm
hoi hơn nữa. Chắc đó cũng là quy luật của sự phát triển. Bởi lẽ, nếu
cõi Niết bàn chỉ có toàn những điều Chân Thiện Mỹ thì nó không thể tồn
tại trên trần thế, vì ở chốn nhân gian có giả mới có Chân, có ác mới có
Thiện, có xấu có Đẹp (Mỹ). Nhân loại chỉ mong cái tốt Đẹp nhiều hơn cái
xấu xa , cái Thiện thắng cái ác, và cái Chân thực lấn át cái giả dối.
Ngoài Đạo Phật, các tôn giáo khác đều có lý do tồn tại chính đáng khi
tôn sùng các giá trị Chân-Thiện-Mỹ và răn đe Tham-Sân-Si để Hành tinh xanh này tươi đẹp hơn, Xã hội loài người nhân bản hơn và Con người có cuộc sống hạnh phúc hơn…
Tham (tham lam, vụ lợi, ích kỷ, …) và Sân (nóng giận, đố kỵ, ghen tỵ…) xem ra có vẻ dễ được khắc chế hơn là Si (dốt nát, mê muội, cuồng tín…). Tham và Sân làm sói mòn lòng trắc ẩn và gia tăng sự vô cảm. Chúng dễ được khắc chế hơn vì không ai không nhận ra sự Tham và sự Sân của mình, chỉ còn khó là ở chỗ có muốn và có đủ năng lực kiềm chế chúng không? Nói cho cùng thì Tham và Sân cũng là do Si mà ra, càng Si thì càng dễ Tham và Sân. Nhưng Si thì nhiều khi không thể tự nhận biết, bởi nó chính là sự Vô minh; tự khai minh (để rũ bỏ Vô minh) cũng khó như là tự nâng mình lên khỏi mặt đất. Cái vô minh của một cá nhân hay một tập thể có quyền lực có thể tạo ra cái Si
cộng đồng thông qua tác động tâm lý đám đông hoặc dùng quyền lực áp
đặt. Niềm tin u mê vào tính siêu việt của tộc người Germain của dân tộc
Đức để biện minh cho việc tàn sát dân tộc khác trong thời kỳ Hitler cầm
quyền là một minh chứng điển hình cho cái Si cộng đồng đã đẫn đến
tội ác diệt chủng. Trước đó lịch sử loài người cũng đã từng chứng kiến
một niềm tin u mê vào tính ưu việt của một giai tầng xã hội là động lực
của cuộc cách mạng bạo lực để kỳ thị và loại trừ các giai tầng khác, đặc
biệt là trí thức. Cái Si cộng đồng này đã sụp đổ ở nguyên quán là Liên bang Xô viết cũ, nhưng tàn dư của nó vẫn còn đó, ở đôi nơi…
Sự cố chấp, thực lòng hay dối trá cũng vậy thôi, vào một ý thức hệ lỗi thời nào đó cũng là một biểu hiện của sự Vô minh.
Không tin vào Dân, không dựa vào Dân ; không đặt quyền lơị của dân tộc
lên trên mọi giáo điều chủ thuyết, mọi lợi ich nhóm ... đều là Si, là Vô minh cả. Vô minh trực tiếp dẫn đến Vô cảm. Cái Vô cảm đáng sợ nhất mà chúng ta đang hàng ngày chứng kiến là sự Vô cảm
của rất nhiều bộ phận trong hệ thống quyền lực trước sự bất công thê
thảm mà biết bao người dân thường đang phải gánh chịu; trước sự tàn phá
thậm tệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; trước sự xuống cấp một
cách nguy hại của văn hoá - giáo dục - đạo đức xã hội ...
Những biểu hiện Vô minh và Vô cảm
như thế chỉ có thể bị hạn chế, bị đẩy lui trong một thể chế dân chủ,
với một nền giáo dục nhân văn . Thể chế dân chủ đảm bảo những quyền tự
do cơ bản của con người, trong đó quyền tự do bầy tỏ chính kiến của mình
để làm phong phú, đa dạng và đổi mới tư duy của toàn xã hội để gạt bỏ
mọi giáo điều ý thức hệ, có lẽ là quan trọng nhất. Tự do có thể là khát
vọng bẩm sinh của con người, nhưng Dân chủ thì phải được giác ngộ, được
rèn luyện gian truân trong thực tiễn cuộc sống mới dần dần có được. Nền
giáo dục đào tạo ra những con người có tri thức hữu dụng và lòng trắc ẩn
để tránh xa Vô minh và Vô cảm phải được xây dựng theo một
triết lý hết sức nhân bản. Chẳng hạn như đề xuất của triết gia hiện đại
người Pháp - Edgar Morin về sứ mạng và mục tiêu của giáo dục:
1) Hình thành những khối óc được rèn luyện tốt; đào tạo những con người
có đủ năng lực tổ chức và liên kết các trí thức để mưu cầu hạnh phúc
cho bản thân mình và cho toàn xã hội chứ không phải nhồi nhét kiến thức
theo kiểu chất vào kho.
2) Giáo dục về hoàn cảnh con người, làm cho mọi người có ý thức sâu sắc
thế nào là một con người. Dạy cho thế hệ trẻ cách sống, chuẩn bị cho họ
biết cách đối mặt với những khó khăn và những vấn đề chung của cả loài
người.
3) Thực tập tư cách công dân của đất nước và của toàn thế giới; có năng
lực đối thoại, khoan dung trong thế giới phức hợp và đa dạng.
Để có một thể chế dân chủ hơn, một nền giáo dục lành mạnh hơn, xã hội
không chỉ trông chờ vào vào sự thực thi nghĩa vụ của các cơ quan và tổ
chức lãnh đạo quyền lực, mà còn hy vọng vào sự dấn thân của tầng lớp trí
thức tinh hoa của dân tộc – những người không chỉ có trình độ học vấn –
chuyên môn cao, mà trước hết phải có ý thức trách nhiệm xã hội, dám
công khai bày tỏ và bảo vệ chính kiến của mình.
Ngày xưa Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) là một trí thức dấn thân theo
kiểu của ông : trong cuộc đời ngắn ngủi của mình ông đã gửi lên Vua Tự
Đức 30 bản tấu trình đề xuất kế hoạch canh tân đất nước và khoảng 60 bản
điều trần về đủ mọi thứ khác. Nhưng Vua không nghe thì đành chịu! Cùng
thời với ông, Fukuzawa Yukichi (1835-1901) đã nổi lên như một ngôi sao
sáng trong giới trí thức Nhật Bản thời ấy. Ông không chỉ tấu trình cho
Nhật hoàng mà tìm mọi cách truyền bá tư tưởng canh tân cho đồng nghiệp,
học trò và toàn xã hội. Có thể nói ông là rường cột tinh thần cho phong
trào Minh trị duy tân. Sự phát triển theo các con đường khác nhau, và
kết quả cũng khác nhau, của Việt Nam và Nhật Bản có lẽ đã bắt đầu từ đó.
Nửa thế kỷ sau, có một lớp chí sỹ của phong trào Duy Tân và Đông kinh
nghĩa thục, đứng đầu là cụ Phan Châu Trinh, đã dũng cảm đi theo con
đường của Fukuzawa, chủ trương làm cách mạng văn hóa và giáo dục. Nhưng
đã thất bại vì chính quyền thuộc địa đàn áp dã man.
Ngày
nay chính quyền luôn luôn được khẳng định là của nhân dân, vì vậy điều
kiện tấu trình, điều trần cũng như triển khai thực hiện những đóng góp
cụ thể, đã thuận lợi hơn nhiều, tầng lớp trí thức tinh hoa của dân tộc
chẳng lẽ chỉ có trăn trở và kiến nghị thôi sao? Đấy là nỗi băn khoăn của
rất nhiều người Việt Nam tâm huyết, ở trong nước cũng như ở nước ngoài,
đang dấn thân vì sự phát triển của Đất nước, vì tương lai của Dân tộc.
No comments:
Post a Comment