Tự do - Tự lập - Tự trọng là những giá trị làm người số một
Khoa Quản lý Đào tạo Quốc tế - ĐH KTQD Hà Nội
(Ngày
4/10/2006)
______________________
Nguyễn Trần Bạt (NTB):
Xin chào tất cả các bạn! Tôi không phải là một nhà hàn lâm, tôi không đi tìm
kiếm cái cảm giác thần phục của sinh viên đối với mình như là một nhà hàn lâm
mà tôi đang cố gắng làm trẻ mình, làm mới mình, làm sinh động hoá trí khôn của
mình thông qua giao lưu với các bạn. Giao lưu là một nghệ thuật hết sức tích
cực, nghệ thuật đấy tạo ra tất cả mọi sự phát triển vốn có của đời sống tinh thần.
Vì thế cho nên, tôi là người chống lại tất cả những gì áp đặt lên hoạt động
này, nhất là với sinh viên. Trong công ty của tôi có khoảng 300 nhân viên rải
rác ở Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ. Cách của tôi là khuyến khích sự sáng tạo, khuyến
khích tự do đối với các nhân viên của mình, tự do đến làm việc cho tôi nếu anh
cảm thấy tự tin và tự do rời công ty của tôi nếu anh cảm thấy bất hạnh, anh cảm
thấy không hạnh phúc. Vì thế, hôm nay, tôi sẽ không giảng gì, tôi sẽ không làm
gì như một nhà hàn lâm mà tôi sẽ kể với các bạn về việc tôi hình thành doanh
nghiệp của tôi như thế nào. Mặc dù không phải là nhà hàn lâm nhưng tôi cũng là
tác giả của một số quyển sách, nghe nói rằng nó cũng gây được một số ấn tượng
nào đó trong xã hội, nó cũng gây ra một số sự nổi giận nào đó từ phía nhà quản
lý. Trong xã hội của chúng ta, chỉ nguyên việc gây ra được một sự nổi giận
không chết người đã là có giá trị tích cực. Tất nhiên, những sự nổi giận chết
người thì không khôn ngoan nhưng sự nổi giận cần thiết tạo ra sự sinh động của
cuộc đời mình thì tôi nghĩ là chúng ta nên làm, bởi vì chúng ta phải chứng tỏ
chúng ta còn sống, còn sống thì mới làm được cho người khác nổi giận một chút. Nói
như vậy có nghĩa là khi các bạn đặt câu hỏi cho tôi thì cũng không cần thiết
phải né tránh những điều mà các bạn cho là phạm húy hoặc cho là có chất lượng
hàn lâm. Tôi không cho mình là một nhà hàn lâm nhưng tôi nghĩ rằng tôi có thể
đối thoại với các bạn ở một chừng mực phổ thông của khái niệm này.
Cái đáng giá nhất
trong cuộc đời của tôi không phải là tạo ra một công ty mà là tạo ra được một
nghề. Tôi là người Việt Nam
đầu tiên tạo ra một loại nghề nghiệp, đó là nghề tư vấn về đầu tư và phát triển
các quan hệ thương mại. Công ty này được thành lập trước khi Chính phủ ban hành
nghị định 139/HĐBT hướng
dẫn thi hành luật đầu tư nước ngoài. Nó ra đời tại Bộ Khoa học và Công nghệ, trước
khi thành lập Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư một năm. Vào thời điểm tôi
bắt đầu hoạt động có nhiều nhà lãnh đạo gọi cái nghề mà tôi đang làm bây giờ là
nghề cai đầu dài, nghề môi giới. Và đã có một thời Chính phủ rất nổi giận vì có
một nghề nghiệp mà mình không phân loại và không kiểm soát nó được. Khi tôi lập
công ty đầu tiên về lĩnh vực này, tôi phải thuyết phục được họp báo. Có 27 vị
đại sứ đã đến dự cuộc họp báo của tôi, trong đó tôi có mời cả Bộ trưởng là giáo
sư Đặng Hữu, thầy giáo dạy tôi tốt nghiệp đại học. Tôi nhớ rằng Đại sứ Liên
hiệp Vương quốc Anh lúc bấy giờ hỏi tôi: "Nếu chúng tôi cần dứa, ông làm
thế nào để cung cấp dứa cho chúng tôi?" Tôi nói rằng: "Tôi sẽ phải
nghiên cứu xem tỉnh nào có dứa, sau đó tôi sẽ thông báo với các công ty của
ngài rằng nơi nào có dứa, dứa đấy sẽ chín vào mùa nào và hệ thống vận tải từ
các cánh đồng dứa ra ngoài thuận lợi như thế nào, giá cả của nó và các điều
kiện khác..." Sau đó tôi có nghe Bộ trưởng nói rằng "Đến Bộ cũng
không nắm nổi việc ấy thì làm sao mà một công ty chỉ có 3, 4 người làm được."
Cách đây mấy năm, khi còn làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng Cộng sản
Việt Nam, giáo sư có mời công ty của chúng tôi đến trình bày về vấn đề làm thế
nào để Đảng Cộng sản Việt Nam quản lý được toàn bộ quá trình bảo hộ các quyền
sở hữu trí tuệ phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Tôi đã uỷ quyền cho các Phó
Tổng giám đốc của tôi đến trình bày. Buổi nói chuyện ấy rất được các nhà lãnh
đạo của chúng ta hoan nghênh và nó góp phần làm tiền đề cho việc Quốc hội của
chúng ta phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ.
Cũng phải nói với các
bạn về một số nét xuất xứ của tôi. Tôi là kỹ sư cầu đường, tôi tốt nghiệp Đại
học Bách khoa, Khoa Xây dựng. Tôi vào đại học năm 1964, tốt nghiệp năm 1972, lý
do là giữa đó có quãng thời gian đi bộ đội. Sau đó tôi lại vào bộ đội một lần
nữa với tư cách là sĩ quan công binh, làm việc tại Cục công binh 559, thuộc Binh
đoàn Trường Sơn. Tôi rất tự hào khi tôi đến Mỹ kể câu chuyện tôi đã từng tham
gia làm đường Hồ Chí Minh. Không có một người Mỹ nào lại ghét một người đã từng
làm đường Hồ Chí Minh để tạo ra tiền đề giao thông vận tải cho công cuộc kháng
chiến chống Mỹ. Tôi đã kể lại chuyện ấy một cách rất đàng hoàng tại New York,
tại Washington, tại Los Angeles, tại San Francisco, cả tại trường Harvard nữa. Năm
1976, tôi rời khỏi quân đội để về làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ Giao
thông Vận tải, và trở thành quyền chủ nhiệm một bộ môn cho đến khi tôi rời Viện
vào năm 1985, với một lý do hết sức riêng tư. Lý do riêng tư ấy gồm hai khía
cạnh. Vào khoảng thời gian ấy, tôi đi thi làm nghiên cứu sinh. Các bạn bây giờ
không biết được rằng thi nghiên cứu sinh vào cái thời ấy là cuộc thi khủng
khiếp đến mức nào. Số lượng những người dự thi trong một cuộc thi như vậy ngồi
kín hội trường chính của trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng số lượng người
thi đỗ chắc chắn không bằng một dãy ngồi trong phòng học này. Tỷ lệ thi đỗ vào
khoảng 1/100. Tôi đã thi đỗ, thế nhưng đến khi đi thì người ta không cho đi. Người
không cho tôi đi là ông Bộ trưởng trước đó là chủ nhiệm bộ môn của tôi và tôi
là phó chủ nhiệm. Ông Bộ trưởng ấy tuy đã làm bộ trưởng rồi nhưng vẫn còn tâm
lý của một anh chủ nhiệm bộ môn ép anh phó chủ nhiệm. Ông ấy không đồng ý và ông
ấy lập luận rằng chưa làm phó tiến sĩ mà đã kiêu ngạo thì làm phó tiến sĩ sẽ
kiêu ngạo đến chừng nào và Đảng ta sẽ khó khăn trong việc quản lý những kẻ kiêu
ngạo mà lại có bằng phó tiến sĩ. Vì thế cho nên tôi không đi được. Phúc bất
trùng lai, họa vô đơn chí, vào lúc ấy, tôi có một đứa con gái sinh năm 1974, nó
bị căn bệnh không sống được, đó là bệnh máu trắng. Thế là tôi đành từ bỏ việc đi
nghiên cứu sinh. Để chữa căn bệnh ấy trong những điều kiện hết sức hạn hẹp ở
Việt Nam,
mỗi một ngày cũng cần có khoảng 30 đô la tiền thuốc. Với tư cách là một cán bộ
cấp phòng (Bộ môn của tôi tương đương với một phòng) thì không có cách gì để có
đủ tiền cả và tôi nghĩ là cần phải kiếm ra tiền. Để cứu con mình tôi buộc phải
từ bỏ sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình và đi làm kỹ sư xây dựng, rồi về
phụ trách công việc xây dựng tại Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam (bây giờ là
Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam).
Các bạn cũng biết rằng tham nhũng bây giờ tạo ra sự giầu có, nhưng tham nhũng
vào đầu những năm 80 thì chỉ cải thiện đời sống. Không biết định nghĩa thế nào là
tham nhũng nhưng tôi cảm thấy cuộc sống của mình tốt hơn một chút khi tôi làm
việc trực tiếp. Các nhà khoa học thì không có công tác phí vì các nhà khoa học chẳng
đi đâu bao giờ, nhưng làm nghề xây dựng thì hay phải đi nên có công tác phí và
có sự chắp vá của tất cả những gì gom góp được nhờ sự phát hiện các kẽ hở của
công tác quản lý nhà nước để có thể sống được. Thế là tôi cũng có đủ tiền thuốc
để chữa bệnh cho con nhưng không cứu được nó. Tôi mất con gái của tôi vào cuối
năm 1985. Lúc bấy giờ giá một ca mổ để ghép tuỷ ở Paris là 200.000 fran, ở Budapest là 30.000 đô la. Tôi không thể có số
tiền ấy và tôi đành để mất đứa con gái. Phải nói là cho đến bây giờ, vĩnh viễn
không bao giờ vết thương ấy được liền trong đời sống tinh thần của tôi. Tôi có
nói với con gái tôi rằng tôi là một người cha tồi vì không cứu được con. Tôi không
có tiền, tôi không sáng tạo ra cái gì để có thể giúp con mình sống được. Lúc đó
tôi có thêm hai đứa con trai nữa. Tôi nghĩ rằng cần phải lao động, cần phải
sáng tạo, không thể trông đợi vào những kinh nghiệm mà mình đã có cho đến lúc
ấy. Cho nên tôi tạo ra nghề này.
Những ý tưởng đầu
tiên để làm nghề này xuất hiện khi tôi bắt đầu đọc cuốn "Nhà tư bản tài chính" của Theodore
Dreiser. Tôi nghe nói rằng Lenin cũng đọc quyển ấy. Nhưng Lenin đọc quyển ấy để
làm Cách mạng Tháng Mười còn tôi chỉ làm cuộc cách mạng nho nhỏ trong đời sống
cá nhân của tôi thôi. Tôi cứ thấy người ta bảo Lenin thích gì là tôi thích thử
xem sao. Ví dụ, có hai bản giao hưởng mà Lenin thích nghe là Appassionata và Moonlight,
tôi đã nghe thử và cố gắng hình dung ra cái tâm trạng nào mà một người như
Lenin có thể thích chúng. Tôi nghĩ rằng, đi tìm cái quy luật tinh thần của mỗi
một vĩ nhân trong cuộc đời chính là cách tốt nhất để chúng ta dẫn mình đến
những thử nghiệm tinh thần của mình. Lúc trẻ, tôi đọc quyển "Tuổi trẻ của Karl Marx", đương
nhiên sau này tôi cũng biết rằng cũng có nhiều thứ được sáng tác thêm trong đó,
nhưng phải nói rằng tôi thấy tinh thần của cậu bé Marx lúc 17 tuổi làm thắp
sáng đời sống tâm hồn của mình. Có lần, khi một cán bộ cao cấp hỏi tôi: "Bây
giờ, khi chúng tôi làm việc với bọn trẻ, chúng luôn luôn phê phán chúng tôi
rằng các khái niệm có vẻ cao thượng như yêu nước, yêu thế nọ, thế kia là mâu
thuẫn với thực tế của cuộc sống. Theo anh, tôi phải giải thích như thế nào với bọn
trẻ để có thể xuôi được?" Tôi nói rằng, chỉ nguyên việc anh đặt ra vấn đề
giải thích để cho nó xuôi đã là hỏng rồi. Bởi vì con người cần cả những cái cụ
thể như là tiền lương, nhưng con người cần cả những cái cao thượng thắp sáng
tâm hồn. Khi đói kém chúng ta có thể tạm quên những thứ cao thượng đi, nhưng
khi no đủ rồi chúng ta bỗng nhiên thấy thiếu cái đấy mà chúng ta đi tìm thì có
khi không tìm lại được nó nữa.
Bắt đầu từ việc cứu
đứa con, từ việc bảo hộ đời sống vật chất cụ thể của những đứa con của mình, tôi
đã tạo ra một nghề mà ở trong nước hiện nay có khoảng 300 công ty thực thi các
dịch vụ như thế, trong đó vào khoảng 1/3 số công ty này là do cán bộ từ công ty
của tôi tạm biệt tôi để bắt chước tôi. Công ty này là một công ty lớn, cái thứ
hai sau nó không so được với nó. Chúng tôi có khoảng độ 300 cán bộ, cung cấp
dịch vụ cho khoảng 20% toàn bộ thị trường các dự án ODA ở Việt Nam, khoảng 15% thị
trường các đầu tư FDI ở Việt Nam, cung cấp những dịch vụ luật sư cho những giao
dịch mua bán rất quan trọng như là mua vệ tinh đầu tiên của nước CHXHCN Việt
Nam, làm hợp đồng cho các giao dịch mua bán hoặc thuê mua các máy bay Boeing và
máy bay Airbus của Vietnam Airlines. Phải nói rằng chúng tôi sử dụng một lực
lượng lao động cố định khá lớn nhưng cái dòng lao động đi qua chúng tôi cũng
lớn. Hôm qua tôi có tổ chức một buổi hội thảo mà tôi rất tự hào bởi vì một
trong những người trình bày chính tại hội thảo ấy là Tổng giám đốc ngân hàng
ANZ Việt Nam
đã từng là cán bộ của tôi. Khi còn làm cho tôi, chị ấy là thư ký, là phiên dịch
cho tôi, người giúp tôi đối thoại với tiến sĩ Henry Kissinger, với các bộ
trưởng Úc vào đầu những năm 90. Chị ấy giỏi tiếng Anh đến mức khi tôi dẫn chị
ấy đến nói chuyện tại trường Harvard, kết thúc buổi nói chuyện, ông hiệu trưởng
Havard Business School bảo với tôi rằng nếu ông không phản đối thì tôi cấp ngay
cho cô ấy một học bổng. Nhưng chị ấy kiêu ngạo đến mức không thèm xin học bổng
tắt như vậy mà chị ấy thi và đỗ vào trường Wharton, Đại học tổng hợp Philadelphia,
một trong những trường dạy về tài chính và tiền tệ tốt nhất thế giới. Tất cả
những nhà quản lý của các băng tội phạm quan trọng nhất trên thế giới đều được
đào tạo ở đấy. Ngũ đại gia đình ở New
York chỉ tuyển người quản lý tài chính từ trường này.
Các ngân hàng đầu tư lớn như Morgan Stanley, JP Morgan cũng lựa chọn các kế toán
trưởng từ đấy. Sau 10 năm chị ấy trở thành tổng giám đốc ngân hàng ANZ Việt Nam, với mức
lương hàng trăm nghìn đô la một năm. Người Việt Nam chúng ta cứ phong nhau tổng
giám đốc ào ào, nhưng mà thu nhập của họ cũng chỉ bằng 1/5 thu nhập của tổng giám
đốc ngân hàng ANZ ở Việt Nam
thôi. Cho nên phải nói rằng, khi chúng ta làm việc, chúng ta phải rất thực tế.
Tôi đã giới thiệu sơ lược
về mình. Tôi muốn bắt đầu buổi giao lưu hôm nay. Tôi có mang theo một số tài
liệu, nếu tôi giở ra để giảng về cải cách chắc là tôi sẽ nói rất hay nhưng mà
các bạn sẽ không nghe đâu, cái mà các bạn bây giờ đang sôi sục lên là mình sẽ
làm gì sau khi học. Tôi có cậu con út đang học năm thứ ba tại khoa Philosophy,
Politics and Economics (PPE), trường Kinh tế
London. Tôi
biết được tâm trạng của nó bây giờ là nó bắt đầu nghĩ xem sau khi ra trường
mình làm gì, học tiếp như thế nào, đi thực tập ở đâu. Nhưng cái đó cũng chỉ là
phần cơ bản thôi, còn phần chính là, liệu ta chọn ai làm hình mẫu cho sự phát
triển cá nhân ta, chọn Goeroge Soros hay là Bill Gates. Cậu ấy nói rằng con rất
tự hào bởi tất cả các bạn sang học khoa Auditing, khoa Marketing, còn con học
khoa PPE, khoa của con có George Soros. Tất cả những thứ lãng mạn như vậy làm
sôi sục tâm hồn các bạn, cho nên tôi chấm dứt nói chuyện một cách chủ động ở
đây, các bạn cứ chất vấn tôi như một kẻ đã trót dại ba hoa một chút về mình với
các bạn, để tạo ra cho các bạn cảm giác thách thức trong sự đối thoại. Tất cả
mọi sự đối thoại có chất lượng kích thích, có chất lượng thách thức đều dẫn đến
những đòi hỏi sự sáng tạo của các bạn và do đó mới có ích cho Khoa Quản lý Đào
tạo Quốc tế với tư cách là nơi tạo ra sự hoàn chỉnh của một sản phẩm mà xã hội
được nhờ vào sản phẩm ấy. Thực ra, ở Việt Nam những người có khả năng đối thoại
bình đẳng với các bạn là rất hiếm. Rất nhiều nhà doanh nghiệp không tự tin khi
nói với sinh viên. Lý do là họ chưa từng là sinh viên, hoặc họ là sinh viên một
cách chiếu lệ và họ sẽ nói với các bạn về tiền, bởi vì ưu thế của các nhà kinh
doanh là tiền. Nhưng tôi sẽ không nói với các bạn về tiền, tôi nói với các bạn
về cái cách mà chúng ta phải làm để trở thành một con người mà tiền chỉ là sản
phẩm phụ của sự nghiệp của chúng ta.
Sinh viên (SV): Xin ông cho biết về động cơ khiến ông quyết
định thành lập công ty của ông?
NTB: Lúc trước tôi đã nói
về động cơ cá nhân rồi. Chúng ta ai cũng phải tìm ra động cơ cá nhân của mình.
Đừng che giấu động cơ cá nhân của mình. Động cơ cá nhân trước mỗi một hành động
là một trong những năng lượng quan trọng nhất để tạo ra sự chính đáng của hành
vi. Vậy còn động cơ xã hội của nó là gì? Từ những năm 70 tôi đã nghiên cứu về
diễn biến tình hình phát triển thế giới. Cuối những năm 70, khi người Trung
Quốc bắt đầu mở cửa, đầu những năm 80, khi Mikhail Gorbachov bắt đầu tiến hành
cuộc đổi mới ở Nga thì tôi đi đến một khẳng định dứt khoát rằng hệ thống các
nước xã hội chủ nghĩa sẽ sụp đổ. Rất nhiều người sau này cho rằng tôi nói phét,
nhưng khi nhìn vào những việc tôi làm và tôi chuẩn bị thì người ta rút ngay cái
ý kiến như vậy. Khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ thì hiệp ước khối SEV (Hội
đồng tương trợ kinh tế các nước XHCN) sẽ mất hiệu lực và Việt Nam dứt khoát sẽ
rơi vào khủng hoảng. Các bạn biết là vào những năm 1984-1985, khủng hoảng kinh
tế ở Việt Nam bắt đầu trở thành thảm họa, và đỉnh cao của nó là giá lương tiền.
Vào thời điểm ấy, tôi nghiên cứu diễn biến chính trị thế giới, tôi không nghiên
cứu Việt Nam, tôi xem Việt Nam là hệ quả tất yếu của diễn biến chính trị toàn
cầu. Khi chúng ta mất đi bầu sữa của khối SEV thì chúng ta khủng hoảng. Chúng
ta tưởng rằng chúng ta có thể qua khỏi khủng hoảng bằng giá lương tiền, và
đương nhiên tất cả những giáo sư được học hay nghiên cứu kinh tế theo những
trường phái như thế vào lúc ấy thì người thông minh nhất cũng chỉ tưởng tượng được
đến thế thôi. Tôi âm thầm nghiên cứu kinh tế học mà tôi gọi là kinh tế học phi
Marxist. Tôi bắt đầu đọc cuốn Kinh tế học của giáo sư Samuelson vào đầu những năm
80. Tôi có một anh bạn dạy ở trường Đại học Thủy Lợi, không biết anh ấy quen ở
đâu đó trong Viện Kinh tế, anh ấy lấy được cho tôi bộ sách ấy và tôi học rất
cẩn thận. Sau này, vào những năm 1987-1988
tôi tiếp đại sứ Thụy Điển, khi tôi nói về các quy luật của một nền kinh tế thị
trường thì bà ta hỏi tôi rằng tại sao ở một nước như thế này mà lại có người
hiểu thấu đáo các quy luật của một nền kinh tế tự do như vậy? Tôi trả lời rằng tôi
là kẻ không thuộc bài cũ nên dễ học bài mới. Thế hệ đại học của các bạn bây giờ
rất may vì không buộc phải học một thứ nữa, các bạn có quyền tiếp cận đến nhiều
trào lưu tư tưởng kinh tế. Những quyển sách về các tư tưởng kinh tế trên thế
giới đang được bán đầy ở ngoài đường, không thể nói là nó được dịch tốt hay không
nhưng thà dịch không tốt còn hơn là không có.
Tôi dự báo như thế, tôi
biết Việt Nam
chắc chắn là phải có đổi mới. Năm 1986, bắt đầu từ Đại hội VI là có Đổi mới. Tôi
có quan hệ với con trai lớn của bác Trường Chinh và tôi nhận ra rằng chắc chắn
là phải có đổi mới. Đỉnh cao của Đổi mới đến năm 1989 mới lộ ra, đó là Mở cửa.
Trước đây chúng ta đổi mới quan hệ sản xuất trong nông nghiệp vì chúng ta thiếu
gạo, chúng ta bỏ ngăn sông cấm chợ và chúng ta thực hiện chính sách Khoán Mười.
Chính sách Khoán Mười như là một chỉ giới về tầm nhìn của sự phát triển kinh tế
Việt Nam
trong nông nghiệp. Nhưng đến năm 1989, cùng với một số thể nghiệm tương đối táo
bạo của thành ủy thành phố Hồ Chí Minh mà chúng ta có những kinh nghiệm để đưa
chính sách Đổi mới thành Mở cửa. Tôi cho rằng khi mở cửa sẽ có hai cộng đồng người
gặp nhau. Người phương Tây không hiểu gì về Chủ nghĩa Cộng sản, về những người Cộng
sản Việt Nam và những người Cộng sản Việt Nam cũng chả hiểu gì về chủ nghĩa tư
bản phương Tây. Hai cộng đồng ấy mở cửa nhìn nhau và đều ngọng trong việc diễn
đạt các nguyện vọng của mình, và họ cần phải có một kẻ phiên dịch. Và tôi lập
công ty này với ý đồ trở thành kẻ phiên dịch sớm nhất cho sự khác biệt giữa hai
hệ thống kinh tế, hai hệ thống chính trị và hai mức độ phát triển. Tôi tưởng
thế, tôi cũng lãng mạn nghĩ thế nhưng tôi không thể ngờ rằng tôi đúng đến thế.
Đấy là tôi trả lời câu hỏi của bạn. Tôi trả lời rất cẩn thận một câu hỏi để nói
với các bạn rằng tôi rất tôn trọng các câu hỏi.
SV: Khi
Việt Nam
gia nhập WTO, theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có khó khăn gì và họ cần
chuẩn bị như thế nào? Đối với riêng công ty của ông, ông đã chuẩn bị như thế
nào?
NTB: Đây là một câu hỏi
rất hay. Vấn đề mà tôi định nói với giới báo chí là không một ai được phép đem
các nguy cơ của WTO ra mà dọa xã hội. Chúng ta không có cách nào khác ngoài
việc hội nhập với thế giới. WTO là một thể chế để quy định, để hoạch định, để
kiểm soát tính hội nhập toàn cầu của các nền kinh tế chứ không phải là thể chế
duy nhất. Sẽ còn nhiều hình thức khác nữa. Ngay bản thân WTO có cấu tạo là các
vòng đàm phán, các vòng đàm phán sẽ ngày càng chặt chẽ và sẽ thắt vào cổ tất cả
các quốc gia không ý thức được về hội nhập. Nếu trước đây Việt Nam gia nhập
WTO thì dễ hơn nhiều. Lúc đầu WTO là một cái sân rộng rãi, người ta khuyến
khích vào, thậm chí không cần mua vé. Thế nhưng bây giờ nó trở nên đông quá
rồi. Khi mà cộng đồng đông thì ý chí của cộng đồng trở thành ý chí của nhiều
người, là đòi hỏi của nhiều người. Cho nên càng ngày tiêu chuẩn của WTO càng khắc
nghiệt và những kẻ vào sau sẽ phải đối thoại, phải thảo luận với rất nhiều điều
kiện. Đó là một tất yếu, không nên sợ nó. Ví dụ, thi là tất yếu đối với mọi
sinh viên nên các bạn không thể sợ thi mà phải chuẩn bị học để thi. WTO là một
trường thi đối với các quốc gia chậm phát triển như chúng ta. Chúng ta không thể
sợ thi. WTO không tàn phá gì cả, nó chỉ tàn phá những mặt cũ kĩ, những mặt lạc
hậu, những mặt vô tổ chức, vô kỷ luật của các nền kinh tế để huấn luyện các nền
kinh tế bán chuyên nghiệp trở thành những đối tượng chuyên nghiệp. Chắc chắn tất
cả những yếu tố phi chuyên nghiệp, những yếu tố tạm bợ, những yếu tố không
chính thống dần dần sẽ bị loại bỏ theo sự áp đặt các tiêu chuẩn mà các thành viên
của WTO phải tuân thủ. Tôi đã từng viết trong một bài đăng trên báo rằng WTO là
một trường học vĩ đại để giáo dục các nền kinh tế chưa chuyên nghiệp.
Công ty của tôi chuẩn
bị việc này từ lâu rồi. Tôi có quan hệ với tất cả các nền kinh tế trên thế giới
quan tâm đến Việt Nam.
Tôi có quan hệ rất mật thiết với Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Việt Nam, với Phòng Thương
mại New York, Phòng Thương mại Los Angesles, Phòng Thương mại San Francisco, Phòng
Thương mại London, Phòng Thương mại Paris. Tôi nghiên cứu các thị trường quan
trọng nhất của nền kinh tế thế giới một cách rất chuyên nghiệp, nghiên cứu hệ
thống các quy tắc thương mại và các bộ luật liên quan đến kinh doanh của tất cả
các nền kinh tế quan trọng, những nền kinh tế có ảnh hưởng tới Việt Nam. Vì
thế, tôi hơi giống một chút như tương quan giữa giáo viên với các bạn, tức là giáo
viên dẫn các bạn đi thi, còn các bạn thì thi. Tôi không phải thi nữa, bởi vì
tôi đã thi rồi. Công ty của tôi đã thi vào WTO cách đây 18 năm rồi.
SV: Khi những tập đoàn
nước ngoài như tập đoàn của ông vào Việt Nam, họ có thế mạnh hơn về nguồn
nhân lực, lương cao hơn... Vậy sự cạnh tranh của tập đoàn của ông với các tập
đoàn bên ngoài ấy sẽ như thế nào?
NTB: Tôi buộc phải chấp
nhận cuộc cạnh tranh ấy. Tôi không thể đem chi bộ, công đoàn của công ty ra
thay thế tiền lương cho cán bộ được. Hiện nay tôi trả lương cho cán bộ của tôi
tốt hơn nhiều so với một công ty nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Tất cả
những cán bộ là phó của tôi có lương cao hơn những người ở cùng vị trí như vậy trong
bất kỳ công ty nước ngoài nào có mặt tại Việt Nam. Những cán bộ mới ra trường sau
3 năm là có một thu nhập tốt hơn người làm như thế ở công ty nước ngoài. Không
có cách gì để khất lần cuộc cạnh tranh như vậy được. Chúng ta buộc phải thắng,
ở đây không thể có nhân nhượng được nếu bạn muốn trở thành một nhà kinh doanh. Người
ta cứ nói rằng "hy sinh đời bố để củng cố đời con" hay "chịu khổ
ba năm để sướng muôn đời", tất cả những thứ như vậy không có giá trị trong
thời đại của chúng ta. Thời đại của chúng ta là thời đại các bạn nữ thay đổi mốt
áo quần của mình hàng tháng. Các bạn sẽ rất đau khổ nếu mặc một cái áo trong
vòng 6 tháng mà người bạn trai của mình trông thấy nó liên tục. Các bạn buộc
phải làm mới các nhu cầu của mình. Sự
tăng trưởng các nhu cầu tiêu dùng như là dấu hiệu hệ trọng nhất của sự phát
triển. Nếu ai không nghiên cứu được sự phát triển nhu cầu tiêu dùng của thị
trường thì người đó không hiểu gì về kinh tế thị trường cả. Các bạn là các
chuyên gia về kinh tế thị trường thì phải hiểu được đó là quy luật số một. Phải
chấp nhận cạnh tranh. Chúng ta buộc phải thừa nhận sự tăng trưởng, sự thay đổi
các nhu cầu là động lực của sự phát triển nền kinh tế. Rất là bất hạnh cho
ngành dệt may nếu như bạn thích cái áo đang mặc quá một năm. Bản chất của nền
kinh tế mà chúng ta muốn xây dựng chính là sự đỏng đảnh của nhu cầu tiêu dùng.
Chúng ta không những đón nhận một cách tự nhiên các nhu cầu tiêu dùng mà chúng
ta còn tạo ra các phương pháp luận để rủ rê con người thay đổi các nhu cầu của
mình. Thời trang là một ví dụ, âm nhạc là một ví dụ. Sự thay đổi các dòng nhạc
tạo ra một nền công nghiệp đắt giá và nhiều lợi nhuận nhất trong nền kinh tế
Hoa Kỳ, đó chính là nghệ thuật biểu diễn. Thời đại của chúng ta là thời đại mà
nhu cầu tiêu dùng thay đổi không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng, nó tạo
ra một trào lưu mà tất cả những nhà sản xuất phải đón lõng. Khi tất cả các nhà
sản xuất đón lõng sự đỏng đảnh của nhu cầu tiêu dùng thì các nhà cung cấp dịch
vụ cũng phải đón lõng ở đầu đường xa hơn một chút để nghiên cứu nhu cầu và chuẩn
bị dịch vụ để cung cấp. Và chúng ta buộc phải cạnh tranh.
Bạn có nói đến vấn đề
tiền lương, vấn đề tiền lương là vấn đề sống còn. Một công ty có thể tuyên bố
phá sản sau 3 tháng không trả lương. Người ta làm sụp đổ một đại công ty chỉ vì
chủ tịch công ty đã sử dụng quỹ dự trữ tiền lương cho những mục tiêu cạnh tranh
khác. Bí thư thành ủy Thượng Hải, Ủy viên Bộ chính trị vừa bị cách chức và có
lẽ sẽ vào tù vì bị buộc tội tham nhũng khi ông ta sử dụng quỹ an sinh xã hội cho
mục đích riêng, đấy cũng là một loại quỹ có liên quan đến tiền lương. Tiền
lương quan trọng bởi vì nó là động lực cho việc người ta phát triển các nhu cầu
tiêu dùng. Cho nên đồng lương phải thỏa mãn không chỉ trong sự cạnh tranh giữa
các công ty với nhau mà cả trong sự cạnh tranh với thời đại nữa. Cho nên, tôi
có hẳn một quan chức cấp phó chủ tịch luôn nghiên cứu về sự dao động của đồng
lương tối thiểu trên thị trường lao động và chúng tôi kiểm điểm hàng tuần để
luôn luôn giữ được tính tiên tiến của tiền lương. Tất cả những bài thi về WTO
tôi đã trả giống như cô giáo của các bạn đã thi Master rồi. Chúng tôi đã làm
Master về WTO từ mười mấy năm trước, bây giờ chúng tôi rủ các công ty khác đi
học những bài như vậy.
SV: Theo ông, điểm yếu
nhất của sinh viên Việt Nam
hiện nay là gì? Ông có lời khuyên gì cho các sinh viên hiện nay? Trong những
tiêu chí lựa chọn nhân viên của mình, ông cho tiêu chí nào là quan trọng nhất?
NTB: Câu hỏi này hay nhưng
nó thể hiện tính ngây thơ của người đặt câu hỏi. Những đánh giá của một chủ xí
nghiệp, của một nhà giáo dục, của người nước ngoài... là rất khác nhau. Do đó,
không có câu trả lời đồng nhất cho việc nghiên cứu về điểm yếu nhất của sinh
viên Việt Nam
với tư cách là những người thực dụng thông thường. Nhưng tôi trả lời bạn một cách
trân trọng vì tôi nhìn điểm yếu của sinh viên hiện nay khác với tất cả các cách
nhìn khác của những người thực dụng khác. Theo tôi, điểm yếu nhất của sinh viên
Việt Nam
hiện nay là không hiểu tự do là gì. Các bạn luôn luôn đi tìm kiếm tiêu chuẩn,
tìm kiếm đòi hỏi của người khác để chiều theo mà các bạn không biết giá trị
quan trọng nhất của các bạn chính là phải hình thành ra tiêu chuẩn tinh thần
của mình. Các bạn phải tự do đi tìm giá
trị của mình, phát hiện ra các giá trị của mình và tìm cách bán các giá trị mà
mình cho là xuất sắc nhất trong tập hợp nội hàm giá trị mình có. Điều quan
trọng nhất đối với một con người là họ phải tự phát hiện ra mình là ai và mình
có những thứ gì. Các bạn nghe bố mình bảo rằng mình giỏi toán, nghe cô giáo dạy
vật lý khen mình là một trong 5 người giỏi vật lý nhất và tưởng mình có khả năng.
Tất cả các sinh viên đều hóng hớt về khả năng của mình mà chưa biết cách đo đạc
một cách chính xác khả năng thật của mình, chưa nghiên cứu về khả năng thật của
mình một cách biện chứng. Có những người bỗng nhiên nghĩ rằng mình có khả năng
âm nhạc nhưng nhà mình nghèo nên không mua nổi một cây đàn, như vậy có nghĩa là
khả năng âm nhạc là khả năng tự nhiên của người đó nhưng không phù hợp với điều
kiện khách quan của anh ta. Khi khả năng không phù hợp với điều kiện khách quan
của mình thì nó nghiễm nhiên trở thành tiềm năng, mà tiềm năng thì không phải
là khả năng. Cho nên, khi nghiên cứu về khả năng của mình, phải nghiên cứu khả
năng bên trong trời cho mình và cả tập hợp các điều kiện khách quan để biến nó trở
thành hiện thực, trở thành thứ dịch vụ bán được. Muốn thế thì con người phải
rất tự do, không nghe ai cả, không hóng hớt ai cả mà hãy lắng nghe tâm hồn mình,
hãy đo đạc mình và đo đạc các điều kiện khách quan của mình để tìm kiếm sự phù
hợp. Tôi đã từng định nghĩa: Phát triển
là sự gặp gỡ một cách thuận lợi giữa các tiềm năng bên trong của con người với
các điều kiện khách quan. Khi con người có tự do và biết sử dụng công nghệ tự
do thì tự nhiên con người sẽ hình thành một khả năng rất quan trọng đó là tự
lập. Khi nào các bạn tự lập được thì các bạn mới trả lời được một cách chính
xác mình là ai. Khi còn sống bằng bố mẹ, bằng cô dì, chú bác, bằng tất cả các
mối quan hệ không phải là sản phẩm trực tiếp từ trí tuệ của mình thì chưa tự lập.
Khi nào con người tự lập được thì sẽ xuất hiện một cái quan trọng hơn nhiều, đó
là tự trọng. Tự do - Tự lập - Tự trọng
là những đại lượng hết sức quan trọng để hình thành giá trị của con người.
Các bạn đều biết rằng có những con người nếu mà đầu tư cho nó một chút thì giá
của nó cao gấp mười lần so với giá tự nhiên, người ta gọi đó là lăng-xê. Rất
nhiều người được lăng-xê, trông xa thì lấp lánh nhưng đến gần thì thấy rất thất
vọng. Lăng-xê là một dịch vụ của nền kinh tế hiện đại để tạo ra vẻ lấp lánh của
tất cả các đối tượng hàng hoá. Cần phải làm sao để mình được đầu tư để được
lăng-xê, nhưng quan trọng hơn cả là làm sao sau khi được lăng-xê mình vẫn còn
là mình. Khi nào các bạn hoàn tất được một vòng công nghệ như vậy thì không bao
giờ các bạn sợ mất giá trị và cái đó được hình thành trong logic bộ ba Tự do - Tự
lập - Tự trọng.
SV: Thưa ông, các cơ
hội trong thời đại hội nhập ngày nay làm cho người giầu càng giầu còn người
nghèo càng nghèo, vậy về mặt kinh tế, Việt Nam cần phải phát triển như thế nào
để khắc phục khoảng cách giầu nghèo đó?
NTB: Bạn tưởng rằng khi
nước ta chưa gia nhập WTO thì không có người giầu, người nghèo, không có khoảng
cách giầu nghèo ư? Có chứ. Tôi nghĩ rằng càng phát triển thì khoảng cách giầu
nghèo càng lớn. Phát triển là gì? Phát triển là người ta khai thác các năng lực
tự nhiên của con người một cách có hệ thống và có tính hiệu quả cao nhất, mà
năng lực của con người thì không giống nhau. Một sinh viên có hứng thú và có sức
để học 20 tiếng một ngày thì không thể đem so với một người học 2 tiếng đã ngủ
gật được. Vào những năm tôi học đại học, không có đèn điện như bây giờ mà tôi
phải học bằng đèn dầu. Số lượng dầu mà tôi thắp để học bằng tiêu chuẩn của hai
gia đình đông con. Ngày xưa một gia đình đông con được 5 lít dầu/tháng, và tôi
đốt 10 lít/tháng để học. Tôi nghĩ rằng những người học 2 tiếng/ngày không thế
đem so với tôi được, vĩnh viễn không bao giờ so sánh được. Khoảng cách giầu nghèo không chỉ là khoảng cách của sự may mắn mà còn
là khoảng cách của sự phân bố tự nhiên các năng lực của con người. Cho nên,
chúng ta phải thừa nhận khoảng cách ấy một cách khách quan mà chúng ta không
thể khắc phục triệt để khoảng cách ấy được. Những nhà lý luận của chủ nghĩa xã
hội đã từng mơ tưởng đến một sự bình đẳng như vậy và các nền kinh tế ấy đã thất
bại bằng sự mơ tưởng. Người ta buộc phải phấn đấu và buộc phải thừa nhận tính
khách quan của khoảng cách giầu nghèo nhưng người ta cần chống lại khái niệm khác
chứ không phải khái niệm bạn vừa đề cập, đó là khái niệm nghèo khổ. Người ta
chống lại sự nghèo khổ chứ không chống lại khoảng cách giầu nghèo. Nếu tôi có
1000 đô la/tháng tiền lương mà bạn chỉ có 10 đô la/tháng thì bạn là người nghèo
khổ, khoảng cách giữa tôi với bạn là khoảng cách của sự nghèo khổ. Nhưng nếu tôi
có 10.000 đô la mà bạn có 1.000 đô la thì bạn không nghèo khổ nữa nhưng bạn
không giầu bằng tôi. Tuy nhiên, khoảng cách giữa 1.000 đô la và 10.000 đô la
vẫn là khoảng cách không thể thay đổi được vì tôi năng động hơn bạn, tôi lao
động vất vả hơn bạn. Tôi vừa viết một công trình nghiên cứu về tham nhũng, trong
đó tôi có nói rằng sự hướng dẫn sai về chính trị, kinh tế, văn hoá trong xã hội
đã tạo ra sự mất mát năng lực trên quy mô toàn xã hội. Khi con người mất mát
năng lực thì không có khả năng cung cấp các dịch vụ trung thực cho xã hội. Để có
thể sống được người ta buộc phải cung cấp các dịch vụ không trung thực. Các
dịch vụ không trung thực là bản chất xã hội học của hiện tượng tham nhũng. Cho
nên, chúng ta phải xoá đói giảm nghèo bằng cách cung cấp các dịch vụ để nâng
cao năng lực của con người. Ví dụ như ở công ty chúng tôi vẫn thường tiến hành
các cuộc điều tra nghiên cứu xã hội học để cải thiện năng lực xã hội. Nâng cao năng lực là cách phổ biến nhất để
khắc phục hiện tượng nghèo đói, và trong chừng mực nào đó tạo ra khả năng cảm
nhận một cách không đau khổ về khoảng cách giầu nghèo. Bởi khi người ta
nhận thức được rằng khoảng cách giầu nghèo là một tất yếu thì người ta sẽ không
đau khổ, còn nếu khuyến khích người ta nhìn nhận một cách sai lệch về khoảng
cách giầu nghèo thì sẽ có đấu tranh giai cấp và sẽ có cách mạng và chúng ta lại
cùng nhau nghèo đói. Chúng ta đã đi qua gần nửa thế kỷ cùng nhau nghèo đói. Người
Việt Nam
cực kỳ có kinh nghiệm về cái sự thật cùng nhau nghèo đói. Cho nên, nghĩ ít về
khoảng cách giầu nghèo thôi nhưng cần phải làm mọi cách để chống lại sự nghèo
đói của bản thân mình.
SV: Nhưng nghèo quá thì
rất khó phát triển, số lượng người nghèo rất đông, làm thế nào để ra khỏi nghèo
đói một cách nhanh chóng được?
NTB: Không có cách gì để
thoát ra khỏi nghèo đói nếu không phát triển. Không sốt ruột được.
SV: Ví dụ như Cuba, người ta
làm được. Ở Cuba
nhân dân được chu cấp toàn bộ kinh phí chữa bệnh và thuốc men?
NTB: Nếu sốt ruột rằng cần
phải làm như Cuba
thì về cơ bản Cuba
không có khoảng cách giầu nghèo nhưng Cuba lại là một nước nghèo đói. Vậy
bạn chấp nhận có khoảng cách giầu nghèo hay bạn thích chúng ta cùng nghèo đói? Chúng ta phải nhớ một điều là chúng ta
đang sống trong một thế giới mà cái chúng ta nghe thấy buộc chúng ta phải rất
thận trọng để nghe cho đúng. Không được nhầm lẫn giữa cái người ta nói với mình
với cái người ta có trong thực tế. Tôi là người Việt Nam nên tôi có nghĩa vụ
phải yêu mến nước cộng hoà Cu ba như một chỉ tiêu phải đạo, tôi không chỉ trích
hay nói xấu Cuba nhưng tin những gì mà người ta nói thì không. Không có cách gì
để ra khỏi sự nghèo đói một sớm một chiều được. Không có cách gì để một sinh
viên đang học năm thứ hai, thứ ba trở thành một ông chủ. Không đốt cháy giai
đoạn như thế được. Bạn buộc phải học rất giỏi, rất chăm, bạn phải đi qua giai
đoạn lao động như một kẻ bị thuê mướn rồi sau đó bạn mới trở thành ông chủ
được. Con người không thể sốt ruột được. Có những hiện tượng đột biến được gọi
là thiên tài trên thế giới này như Bill Gates. Nhưng không có 2 Bill Gates trên
thế giới và chúng ta cũng không thể nói với sinh viên rằng Bill Gates có học
đại học đâu mà ông ta trở thành người giầu nhất thế giới. Khi Bill Gates sang
đây nói chuyện ở trường Bách Khoa là tôi rất lo cho các bạn vì nếu mà nghe người
ta xui dại như vậy thì hỏng. Chúng ta buộc phải lao động một cách rất trung
thực.
SV: Ông có thể cho biết
trong quá khứ ông đã gặp những khó khăn gì và đã vượt qua như thế nào để có một
công ty từ 3 người lên đến 300 người? Trong những năm tới công ty ông có chiến
lược phát triển như thế nào?
NTB: Tôi kể cho bạn nghe
câu chuyện này. Khi tôi còn học phổ thông, bên cạnh lớp tôi có một cô học sinh
rất đẹp, cô ấy kéo violon cực hay. Tôi thích cô ấy lắm mà không nói được vì tôi
nghèo quá. Rồi tôi đi bộ đội, tôi chưa kịp học đại học còn cô ấy vào đại học.
Sau khi đi bộ đội về tôi học lại phổ thông một năm để có kiến thức thật để thi
đại học vì tôi không bao giờ học giả vờ. Khi tôi đi học lại thì cô ấy đã trở
thành một cô giáo dạy toán, cô ấy đến lớp giảng và phát hiện ra cái cậu đã từng
thích cô ấy đang ngồi ở dưới. Khi ấy tôi rất tự tin nhưng cô ấy thì bỏ chạy, cô
ấy xin chuyển trường, không dạy ở đó nữa. Bao nhiêu năm sau, khi chúng tôi họp
lớp thì cô ấy đến lớp với tư cách là một người không chồng, cô ấy bỏ chồng. Cô
ấy mời tôi đi uống cafe và nói rằng, nếu ngày ấy cậu không sỗ sàng và thô lỗ,
nếu ngày ấy cậu tỏ ra duyên dáng hơn một chút thì mình đỡ bất hạnh bao nhiêu.
Tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện này để nói với các bạn rằng cần phải chân
thành với chính mình, cần phải đủ dũng cảm để sống chân thật với chính mình thì
sẽ nhận ra rằng không có cái gì trên đời này thực sự là thử thách cả. Thử thách
hay khó khăn chỉ là cái một người quan sát một người khác thôi, còn đối với một
người biết chịu đựng những thử thách của số phận thì thử thách ấy chính là nội
dung cuộc sống của họ. Tâm hồn như một
đôi cánh để giúp con người đi qua các khó khăn mà nó không kịp nhận ra sự bất
hạnh của nó trong khó khăn. Đấy là kinh nghiệm vĩ đại nhất mà một người 60
tuổi như tôi nhận ra ở con người. Không ai thật nhận ra thử thách của cuộc đời
mình cả nếu nó hoạt động dũng cảm như một con người. Như chuyện cô Tuyển vác một
lúc được 2 hòm đạn chẳng hạn. Sau này các nhà tuyên huấn của chúng ta bảo cô ấy
vác lại để quay phim thì cô ấy chịu, không vác lại được vì không ai có thể vác
được 2 hòm đạn nặng đến thế để biểu diễn sự khoẻ mạnh, người ta chỉ có thể làm việc
đó trong tình huống khi lòng yêu nước trở thành đôi cánh, trở thành thiên thần
trong đời sống tâm hồn của mình. Cho nên, nếu các bạn yêu cầu tôi nói về những
kinh nghiệm đi qua những thử thách, những khó khăn trong cuộc đời của mình thì
tôi phải nói thật với các bạn rằng với tư cách là một người hoạt động thực
tiễn, với tư cách một người yêu con người thì tôi không bao giờ cảm thấy những
khó khăn, không có lúc nào tôi cảm thấy bất hạnh rình mò xung quanh cuộc đời
của tôi cả. Đôi lúc nhìn lại, ở những trạng thái khác khi đã đi qua khó khăn ấy
thì thấy hoá ra mình không ra gì nhưng mình cũng đáng nể. Tại mỗi thời điểm như
vậy một con người hành động dũng cảm không cảm thấy khó khăn. Tôi nói với các bạn
nguyên lý hết sức phổ quát đối với đời sống tinh thần của một người thành công
thật trong cuộc đời là người ta không cảm thấy khó khăn mà cảm thấy tính phải
đạo, tính có lý, tính bắt buộc phải hành động vào những lúc khác nhau, những tình
huống khác nhau, những trạng thái khác nhau của cuộc đời một con người. Đừng vì
sự tỉnh táo, sự khôn ngoan mà đánh mất đi sự trong sáng của đời sống tâm hồn, vì
nếu đánh mất nó thì con người sẽ trở thành một kẻ lữ hành bằng cách đi bộ trên
mặt đất đầy chông gai. Nếu giữ được sự trong sáng của đời sống tâm hồn thì các
bạn sẽ thấy rằng đôi lúc người ta bay mà không phải đi bộ.
SV: Hiện nay, hàng năm chỉ
số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
rất cao, giá cả hàng hoá cũng cao nhưng thu nhập của người lao động vẫn rất
thấp. Sự mâu thuẫn đó sẽ dẫn đến chảy máu chất xám. Vậy theo ông, khi tốt
nghiệp ra trường, những sinh viên có năng lực nên ra nước ngoài làm việc để có
cuộc sống khá hơn hay là ở lại Việt Nam?
NTB: Câu hỏi rất hay. Tôi
nghĩ rằng, theo xu hướng hiện nay, toàn cầu hoá là một quá trình dịch chuyển
tất cả các dòng năng lực của nhân loại đến những chỗ mà giá trị có thể tăng
trưởng. Lao động cũng là một năng lực và nó sẽ dịch chuyển. Bạn đi ra nước
ngoài hay ở Việt Nam
đó là quyền của bạn, và đó là quy luật của sự vận động của các dòng năng lực ở
trên thế giới. Tôi không đưa ra bất kỳ lời bình luận nào khuyên bạn nên ở Việt
Nam hay ra nước ngoài, nhưng bạn nên nhớ rằng đi ra nước ngoài không phải là sự
dịch chuyển thuận hoàn toàn. Bạn tưởng bạn có kiến thức, nhưng 3/4 giá trị
thương mại của bạn phụ thuộc vào thói quen được hình thành trong những điều
kiện phát triển của người ta. Không phải là cái bạn học được, không phải năng
lực của bạn tác nghiệp trên máy hoặc trên một số vấn đề cụ thể nào đó quy định
giá cả của bạn trên thị trường lao động nước ngoài. Nếu bạn muốn đi ra nước
ngoài thì bạn phải có thêm một số năng lực ngoài những năng lực bạn nhận là bạn
có và năng lực bán sản phẩm của bạn là năng lực lớn nhất. Trong cái thị trường
bậy bạ ở ngoài phố thì một cô gái quê bán mình giá rẻ hơn rất nhiều so với một
cô gái đô thị. Cho nên để bán các năng lực của mình thì con người buộc phải có
các mẹo vặt, con người phải đô thị hoá. Trong quá trình dịch chuyển thì một
người ở Lạng Sơn có thể là nhà quê so với một người cư trú ở Hà Nội và Việt Nam hoàn toàn
có thể quê mùa so với thị trường New
York. Sự thiếu hụt về kiến thức trong chương trình
học của trường đại học Kinh tế Quốc dân Việt Nam so với trường đại học Havard có
thể khắc phục được bằng sự cố gắng. Nhưng để khắc phục được tình trạng nhà quê
của người Việt Nam
so với tình trạng phát triển đô thị ở New
York thì phải mất gấp 4 lần thời gian cho kiến thức. Phải
rất cẩn thận, nếu không bạn sẽ mắc bệnh chủ quan.
SV: Ông có thể giải thích
tại sao kinh tế Việt Nam
vẫn tăng trưởng đều đặn hàng năm và giá cả hàng hoá thì cao nhưng mức lương vẫn
rất thấp?
NTB: Mức lương vẫn thấp
bởi vì người Việt Nam
không có văn hoá tiền lương. Chính sách tiền lương của chúng ta không được dựa
trên những tiêu chuẩn đúng đắn của văn hoá tiền lương. Người Việt Nam chưa ra
khỏi mâu thuẫn của quan hệ giữa tiền lương và năng lực. Bởi vì chúng ta có quá
nhiều người được tuyển mộ theo những quan niệm sai trái, được đào tạo theo
những tiêu chuẩn không phù hợp và hiện nay chúng ta đang giẫm chân tại chỗ
trong sự không tương thích giữa năng lực và tiền lương. Các bạn cũng cần quan
sát một cách cẩn thận để xem hiện tượng đó diễn biến như thế nào. Tuy nhiên,
không phải cả xã hội giẫm chân tại chỗ trong quan hệ tiền lương thấp, có nhiều
bộ phận khác nhau của xã hội đã bắt đầu ra khỏi và phát triển một nền văn hoá
tiền lương khác, không còn giống với mức chung vốn có. Quy luật của sự phát
triển là các bộ phận phát triển một cách khác nhau chứ không phải tất cả mọi bộ
phận đều phát triển đồng đều. Cho nên khi bạn nói rằng tìền lương ở Việt Nam vẫn thấp
thì đấy là bạn nói ở mức kết luận chung chung. Nhưng nếu bạn đi sâu vào các xí
nghiệp bạn sẽ thấy rằng: vì nhà nước không hỗ trợ một chính sách thu nhập cao
cho nên đại bộ phận các xí nghiệp đã trả lương cao đều giấu ưu điểm của mình,
bởi vì nếu không họ sẽ phải mất thêm một lượng chi phí khá lớn để đóng thuế.
Cho nên, vấn đề đặt ra là nhà nước phải
ra khỏi nền văn hoá tiền lương thấp chứ không phải xã hội, bởi vì xã hội đã bắt
đầu làm việc ấy rồi. Đây là một vấn đề lý luận thật sự, lý luận của những
người hoạch định chính sách cao nhất chứ không phải chỉ là lý luận của một
trường đại học.
SV: Nhiều người vẫn khuyên
sinh viên rằng phải học để sau này đi làm bán cái mà người ta cần chứ không
phải bán cái mà mình có. Theo ông điều đó có đúng không?
NTB: Có hai câu trả lời
khác nhau cho câu hỏi của bạn. Đối với đại bộ phận người sử dụng lao động cũng
như người bán sức lao động thì lời khuyên ấy là đúng, tức là bán cho người ta
cái người ta cần chứ không phải bán cái mình có. Nhưng với sinh viên của trường
Đại học Kinh tế Quốc dân là một trường đại học có giá trị chiến lược đối với
nền kinh tế Việt Nam
thì lời khuyên ấy không đúng. Bởi vì với một xã hội chưa chuyên nghiệp như xã hội
chúng ta thì sinh viên của trường này phải thuyết phục xã hội rằng cái các anh
cần là cái tôi có. Chúng ta phải rèn luyện năng lực để nói với xã hội rằng các
anh chưa biết tôi có cái mà các anh cần. Cách đây nhiều năm, tôi đến nói chuyện
tại một câu lạc bộ được xem là cổ xưa nhất của nền văn hoá Hoa Kỳ là Commonwealth
Club ở San Francisco.
Tại buổi nói chuyện, người chủ tịch câu lạc bộ ấy nói với tôi trước khi tôi bắt
đầu rằng cái chỗ mà ông đứng là chỗ của những nhà chính trị hàng đầu của Hoa Kỳ,
của các nguyên thủ quốc gia và các nhà văn hóa nổi tiếng trên thế giới, ông
phải ý thức về cái vinh dự ấy và ông phải nói với chúng tôi về điều A, điều
B... Tôi trả lời rằng xét về mặt lịch sử mà nói thì tôi có trình độ tương đương
với một người được giáo dục ở mức trung bình của Hoa Kỳ, cho nên tôi hiểu lịch
sử câu lạc bộ của ngài, và tôi cũng biết rằng người Mỹ nếu đặt ra câu hỏi thì
đã có sẵn câu trả lời rồi. Hôm nay tôi sẽ nói với các ngài về những thứ mà
người Mỹ chưa có kinh nghiệm đặt câu hỏi vì tôi ý thức được vinh dự của tôi.
Tôi kể câu chuyện này để nói với các bạn rằng sinh viên của trường Đại học Kinh
tế quốc dân, Khoa Quản lý Đào tạo Quốc tế dứt khoát phải rèn luyện mình ở mức
để nói với người sử dụng mình, người sẽ sử dụng mình rằng cái tôi có quan trọng
hơn cái anh cần, cái tôi có là cái tương lai anh cần chứ không phải là cái mà hôm
nay anh nhận ra là cần thiết. Đội ngũ trí thức của chúng ta phải đủ tinh khôn
để rèn luyện mình ở mức ấy chứ không phải là đi bán năng lực thông thường vì
nếu bán như thế thì không thể có giá cao cho lao động của các bạn được.
SV: Với vai trò là người
tuyển dụng, ông có những yêu cầu gì với những người gia nhập công ty của mình?
NTB: Tôi chẳng đòi hỏi gì
cả. Khi giao lưu với sinh viên trường Tài chính Kế toán, có sinh viên hỏi tôi
rằng "Thưa ông, chúng tôi làm sao mà xin việc được nếu như đến cơ quan nào
người ta cũng đòi hỏi hai năm kinh nghiệm?" Đối với một sinh viên mới ra
trường mà đòi hỏi như thế thì cũng ngốc nghếch giống như việc lấy vợ mà lại đòi
hỏi người đàn bà phải có hai năm kinh nghiệm về đàn ông. Tôi không đòi hỏi gì
cả, tôi đo độ nhạy về tinh thần của các bạn, tôi đo độ cao thượng của đời sống
tinh thần của các bạn. Độ nhạy bén cộng với sự cao thượng sẽ tạo ra khả năng
không thể dự báo được về sự phát triển. Tôi không thuộc những người sử dụng lao
động một cách tầm thường, cho nên nếu hỏi kinh nghiệm của tôi thì tôi sẽ nói
kinh nghiệm không phổ biến trong xã hội. Tôi không làm gì cả, nếu linh cảm mách
bảo tôi rằng người này có giá thì tôi sẽ nhận vào làm ngay. Tôi còn có một cái
khác nữa là những người tôi cần đào tạo không bao giờ tôi chiều ngay từ đầu cả,
có những kẻ tôi dấu kín và 5 năm sau tôi bỗng đưa lên từ một nhân viên thông
thường thành một giám đốc của công ty. Thực
phẩm của những thiên tài là tự do, mà điểm mấu chốt của tự do là quên đi sự lệ
thuộc của mình vào lời khen, tiếng chê của người khác. Người Việt chúng ta
có một nhược điểm hết sức phổ biến và hệ trọng là luôn luôn chờ đợi, hóng hớt
lời khen của người khác. Lâu lâu không ai khen thì mình có cảm giác như mình
sống trên sa mạc, một lời khen đểu giả đôi khi tạo ra niềm hân hoan ngớ ngẩn
của rất nhiều con người. Những kẻ không lệ thuộc vào lời khen, tiếng chê, kẻ
cặm cụi nghiên cứu, chấp nhận và khai thác các lẽ phải trong đời sống tâm hồn kín
đáo của mình sẽ tạo ra thiên tài. Tôi có một định nghĩa về thiên tài trong một
quyển sách mà tôi đã xuất bản rằng thiên tài là một thứ năng lực mà người sở
hữu nó là kẻ cuối cùng biết đến nó. Thiên tài là thứ rất ít khi người có nó
nhận ra nó. Ngay cả tài năng mà chúng ta nhận ra, rồi chúng ta tự giác đánh
bóng mạ kền cho nó, chúng ta bày nó lên để bán thì cũng vẫn là nhầm lẫn. Các bạn
sống hồn nhiên, các bạn tìm mức sống tối thiểu bằng việc bán những khả năng
thông thường của mình một cách thực dụng nhưng các bạn phải chăm sóc những điều
ẩn dấu ở những chỗ sâu xa trong tiềm thức của các bạn, đến một ngày nào đó số
phận thiên thời của các bạn đến, cái đó sẽ xuất hiện trước một ai đó. Con người
đừng nhầm lẫn cuộc sống thông thường với cuộc sống thành đạt. Người ta thành
đạt là do sự gặp gỡ một cách hoàn toàn may mắn giữa những yếu tố mình có với
cái mà thiên hạ cần, còn để tạo ra cuộc sống hàng ngày thì con người phải lao
động một cách thông thường, chấp nhận các tiêu chuẩn thông thường, sử dụng các
công nghệ thông thường của cuộc sống. Tức là thành đạt có hai mức độ, mức thông
thường là mức chúng ta vẫn sống, có thể không bao giờ cơ hội đến với ta cả. Tôi
vốn là một người nghèo khổ, năm 44 tuổi tôi chỉ có 1 cái xe đạp thôi và kẻ trộm
cũng lấy nốt đi. Nhưng đến 45 tuổi tôi đi ôtô. Chuyển từ đi xe đạp lên đi ôtô,
tôi không hề ngỡ ngàng, ngượng ngập, không hề vội vàng khi mở cửa ôtô. Tôi bước
lên ôtô cũng duyên dáng không kém gì bước lên xe đạp, bởi vì dù bước lên ôtô
thì tôi vẫn là một con người, từ trong tâm hồn tôi vẫn nghĩ mình là một con
người thánh thiện. Con người cần phải có đủ tự tin để tin vào sự cao quý của
đời sống tinh thần của mình. Cái đó là tài sản vô giá của tất cả các bạn, không
vì bất cứ lý do gì mà đánh đổi nó. Thưa ông, thưa bà, ông bà có thể lấy đi bất
cứ cái gì thuộc về miền năng lực thông thường của tôi, nhưng cái bí mật, cái
riêng tư của đời sống tâm hồn của tôi thì xin ông bà bỏ dép bên ngoài nếu muốn bước
vào. Nếu làm được như thế thì các thầy cô của các bạn sẽ quý trọng các bạn. Xã
hội quý trọng những người như thế không phải vì chính người ấy mà muốn thông
báo rằng xã hội gồm những người có giáo dục. Giống như đối với những người tài
thì vấn đề không phải là việc họ được tặng huân chương. Tặng huân chương không
phải là để họ trở thành người tài mà tặng huân chương là để thể hiện người có
giáo dục thì phải biết tôn trọng người tài, huân chương ấy chính là bằng chứng thể
hiện sự có giáo dục của nhà nước. Khi nào các bạn nghĩ được như thế thì các
thầy cô giáo sẽ yêu quý các bạn hoàn toàn tự nhiên và niềm tự hào của thầy cô
giáo sẽ lớn gấp mười lần so với niềm tự hào của sự khách sáo.
SV: Có câu : "Có
chí làm quan và có gan làm giầu". Vậy theo ông "chí" và "gan"
có phải là hai bản tính đặc trưng cho hai lối sống của con người không?
NTB: Tôi nói chung không
thích các câu tục ngữ kiểu như thế vì nó đơn giản hoá tất cả các quy luật của
đời sống tinh thần. Ví dụ, ngày xưa khi đi mua xe máy thì người ta phải chọn cái
xe có mác "kim vàng giọt lệ". Quy tắc hóa các công nghệ sống như kiểu "kim vàng giọt lệ" hay là
"có chí làm quan và có gan làm giầu" là những thứ mà tôi không thích
và tôi khuyên các bạn không nên tuân thủ những thứ như thế một cách đơn giản.
Giải thích nó hay làm phong phú nó thì có thể, tìm hiểu nó thì có thế nhưng
nghe theo nó thì không. Nghe theo các
quy tắc đơn giản là dấu hiệu rực rỡ nhất để thể hiện mình là một kẻ chậm phát
triển xét về mặt đời sống tinh thần. Có chí thì làm quan nhưng không có
nghĩa là không cần những yếu tố khác. Chính vì nghe theo những quy tắc đơn giản
như vậy cho nên chúng ta mới có những kẻ đầu tư một cách bạt mạng để làm quan,
mới có chuyện mua quan, bán tước mà báo chí vẫn nói rầm lên.
Cuộc sống phong phú
hơn thế, không chỉ có hai loại hoặc làm quan hoặc làm giầu. Nói như thế thì không
có phương châm làm người. Không ai có thể từ chối được việc làm người, mà làm
người thì làm nhiều thứ lắm. Nếu nghe theo hai tiêu chí ấy thì cuộc sống của bạn
sẽ phiến diện, bạn sẽ chẳng làm quan được và cũng chẳng làm giầu được. Bạn phải
làm nguời, bạn yêu tất cả những thứ gì thông thường của một con người, rồi bạn
làm quan lúc nào, bạn làm giầu lúc nào không biết. Không ai sinh ra định làm
quan mà lại làm quan thật, người ta có thể có một cương vị nhưng không làm
quan. Rất nhiều người làm quan to nhưng chẳng bao giờ dám nói gì cả, cấp trên
trợn mắt là im, rất nhiều người làm bộ trưởng nhưng mà nhát, vậy làm quan để
làm gì khi mà leo lên đến đấy rồi vẫn là một kẻ nhát nhúa? Còn làm giầu làm gì
nếu mỗi một đồng tiền bạn kiếm được là kết quả của sự lừa đảo và bạn không có
dấu hiệu lấp lánh nào của đời sống tinh thần của bạn trên mỗi một đồng tiền.
Bây giờ bạn đang là sinh viên không có tiền, bạn không có nỗi đau khổ của kẻ có
tiền. Nhà giầu cũng khóc khi nhìn thấy mỗi một đồng tiền của mình là một chữ để
ghi lại lịch sử của tội ác. Các quy luật nhân quả ám ảnh cả cuộc đời của những
kẻ không biết cách làm giầu. Quên mất làm người mà làm giầu, quên mất làm người
mà làm quan đều tạo ra những di họa khủng khiếp mà khi mở đầu sự nghiệp không
ai tin rằng nó sẽ đến.
SV: Có câu nói rằng so
với những người thất bại thì những người thành công thất bại hơn rất nhiều lần.
Ông nghĩ thế nào về câu nói ấy và ông có lời khuyên gì cho sinh viên?
NTB: Đấy là một câu rất hay.
Có một quyển sách đang được bán ngoài phố phê phán một trong những phương pháp
luận về giáo dục của nhân loại, đó là người ta học cái đúng mà không học cái
sai. Tôi luôn luôn trân trọng những cán bộ tạo ra được sai lầm và những sai lầm
ấy là có giá. Cái thất bại lớn nhất của một con người là trong suốt cả cuộc đời
họ chẳng có một thành công hay thất bại nào đáng để ý cả. Có câu "thất bại
là mẹ thành công" cũng đơn giản quá. Tôi không thích những loại châm ngôn
kiểu ấy. Về mặt triết học mà nói, học thông qua thất bại thì nhận được nhiều
hơn. Thành công làm cho con người lâng lâng, làm cho con người hạnh phúc và không
ai có thể học tập một cách sâu sắc được trong cái cảm giác lâng lâng của hạnh
phúc. Yêu là cảm giác sướng nhất trên đời này và không ai học giỏi khi yêu cả.
Tất cả những kẻ đang học giỏi ngẫu nhiên yêu là học sút ngay. Không phải bởi vì
đạo đức, tư cách giảm đi mà bởi vì tâm hồn hạnh phúc đòi hỏi một sự bôi trơn
tuyệt đối để con người không thèm đếm xỉa đến việc được điểm 2, điểm 3 khi thi.
SV: Ông có nói về việc cần phải thoát ra khỏi sự nghèo đói. Nước
ta là nước đang phát triển, chúng ta có rất nhiều người nghèo. Người nghèo mặc
dù có đủ niềm tin nhưng lại không có đủ tiền bạc và tri thức để làm giầu, theo
ông vấn đề đó có thể giải quyết bằng cách nào?
NTB: Bạn về nông thôn, về
các vùng tỉnh lỵ thì sẽ thấy những người nghèo thoát ra khỏi cảnh nghèo như thế
nào bằng những trí tưởng tượng hết sức bất ngờ. Các giáo sư đôi lúc nghèo hơn
rất nhiều so với những người ít học, bởi các giáo sư đòi hỏi những phát hiện
được giải thưởng Nobel, còn những người ít học thì chỉ cần phát hiện của mình được
vợ khen thôi là mừng rồi. Đôi khi sự khen của các bà vợ có giá trị thực tiễn
hơn nhiều so với giải thưởng Nobel trong tưởng tượng của một giáo sư. Các bạn
đừng cầu toàn, các bạn phải biết ra khỏi nghèo đói không phải bằng lý thuyết mà
bằng sự bất ngờ của những phản xạ tự nhiên của con người trước thực tiễn. Nghề
tư vấn đối với tôi cũng là một sự phát hiện hoàn toàn bất ngờ, lúc đầu chẳng có
lý thuyết gì cả, rồi dần dần cùng với thực tế, cùng với sự phát triển của nghề
cụ thể người ta tạo ra cơ sở lý luận của nghề gọi là nghề dịch vụ. Để nói với bạn,
tôi hoàn toàn có thể đưa ra cho bạn bất kỳ một mô tả khái quát nào, nhưng đối
với một sinh viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì tôi không muốn đẩy
sâu các bạn vào tầng lý sự. Các bạn có đầy đủ lý luận mà không cần phải lý sự
nữa, các bạn phải đem lý luận của mình vào trong cuộc sống và quan sát nó một
cách thoả đáng để phát hiện ra không phải sự có lý của cái lý luận mà mình có
mà phát hiện ra sự vô lý của nó. Giáo sư Nguyễn Hồng Phong khi còn sống có nói rằng
khoa học là việc mô phỏng những quy luật khái quát thông qua việc lược bỏ các
yếu tố dị biệt được gọi là quá trình mô phỏng hoá, còn cuộc sống là những
trường hợp cụ thể và những cá biệt. Cho nên, một người học giỏi là một người càng ngày càng tìm thấy sự vô lý của
những điều mình học, sự không phù hợp của những điều mình học và sự đơn giản
của những điều mình học. Nếu ai thần thánh hoá những điều mình học được
trong cuộc đời thì kẻ đó vĩnh viễn không bao giờ trở thành người thành đạt cả,
chỉ trở thành kẻ tuyên truyền cho những điều mình học được mà thôi. Trở thành
nô lệ tuyệt đối cho những điều mình học thì học tập là một quá trình tự tàn sát
mình. Các bạn phải học như thế nào để càng ngày càng thấy rằng những điều mình
học đơn giản quá so với cuộc sống. Khi nào các bạn có được tâm trạng như vậy,
các bạn sẽ thành công. Còn nếu các bạn càng ngày càng tôn trọng những điều mình
học, càng ngày càng chìm đắm vào sự có lý của những điều mình học thì các bạn sẽ
thất bại một cách chắc chắn trong cuộc đời.
SV: Trước đây khi ông có ý tưởng thành lập công ty, có người nói với ông đó
là điều không thể hoặc nói khoác, bây giờ nếu có một nhân viên của công ty ông
đưa ra một ý tưởng nào đó khác thường, liệu ông có cho rằng đó là không thể
hoặc nói khoác không?
NTB: Tôi xin giới thiệu
với các bạn chị Đỗ Thu Thuỷ là Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu
InvestconSult. Chị Thuỷ là người tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ, khoa tiếng Anh,
hoàn toàn không có kiến thức gì về mặt xã hội học, hoàn toàn không có kiến thức
gì về kinh tế học, hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về chính trị học, nhưng
chị Thuỷ là người giúp tôi biên tập và làm quyển sách này. Chắc chắn đây là một
quyển sách hết sức quan trọng trong đời sống lý luận chính trị Việt Nam, tôi không
thể nào khiêm tốn mà không khẳng định như vậy. Tôi đưa trường hợp chị Thuỷ ra
để nói với các bạn rằng, với tôi không có bất kỳ sự bất ngờ nào làm cho tôi khó
chịu cả, không có bất kỳ đề nghị điên điên, khùng khùng nào làm cho tôi khó
chịu cả. Tôi đến trường Harvard năm 1990, tôi có thảo luận với ông hiệu trưởng
của trường Harvard Law School về tuyển sinh, ông ta nói rằng trường chúng tôi
tuyển 90-95% theo đúng tiêu chuẩn, còn 5 đến 10% chúng tôi dành cho những
trường hợp rất cá biệt. Chúng tôi có một triết lý là nhân loại tồn tại bằng 95%
những kẻ thông thường và phát triển bằng 5% những kẻ cá biệt. Đấy là một tỷ lệ mà
nước Mỹ quy định về những con người tham gia vào sự duy trì đời sống. Sự ổn
định thông thường được quy định bởi 95% con người nhưng nếu mất đi 5% cá biệt
thì cuộc sống không phát triển được. Cho nên, tôi là một người có giáo dục đủ để
tiếp nhận, để không phủ nhận những sự điên điên, khùng khùng của cấp dưới của
mình.
SV: Theo ông, để trở
thành một nhà doanh nghiệp thành công cần những phẩm chất gì?
NTB: Để trở thành một nhà
doanh nghiệp thành công hay để thành công ở bất kỳ cương vị nào thì con người cần
có một số phẩm chất phổ biến. Thứ nhất là phải rất lương thiện. Con người không
bắt đầu từ sự lương thiện thì không thể có động lực làm cái gì tử tế được. Phải
biết yêu con người. Chẳng hạn tôi bắt đầu kinh doanh là vì yêu con. Tôi làm kỹ
sư cầu đường còn vợ tôi là người học văn. Văn chương thì hấp dẫn mà mình ngô
nghê không biết gì về văn chương để nói với người yêu của mình thì e không
được, thế là tôi âm thầm đi học tại chức khoa Ngữ văn của trường Đại học Tổng
hợp. Khi vợ tôi tốt nghiệp đại học thì luận văn của cô ấy là tôi cùng viết. Tôi
hiểu về văn học nước ngoài, về lịch sử văn học Pháp, lịch sử văn học Nga, lịch
sử văn học Anh chắc chắn là hơn một cử nhân chuyên nghiệp. Ở chỗ tôi có rất
nhiều người tốt nghiệp văn chương chuyên nghiệp nhưng nhiều khi không hiểu và
không biết về những thứ tôi nói. Nếu không bắt đầu từ những động lực thân thiện
của mình đối với con người thì rất khó để bổ sung cho mình đủ lượng trí tuệ cần
thiết. Vì yêu người đàn bà mà mình yêu thì mình phải hiểu cái mà cô ấy học, đấy
là một động lực mang tính thân thiện, cái đấy làm xúc động bất kỳ một bạn gái
nào ở đây. Cho nên đầu tiên là phải lương thiện. Các quy luật tinh thần của con
người mách bảo các bạn cần phải làm gì, rồi các bạn sẽ tự tìm thấy sự thành đạt
thích hợp của mình. Nếu bây giờ tôi nói rằng tôi kiên quyết trở thành Bill Gates
thì tôi là người ngớ ngẩn, vì tôi không có cách gì để trở thành Bill Gates ở Việt
Nam
được. Với tư cách là một người thông thường bạn sẽ tìm ra mức độ thành đạt mà bạn
cần, quy luật riêng của bạn để trở thành một người thành đạt. Thành đạt không
phải là một quy luật dựa vào những tiêu chuẩn phổ biến mà thành đạt là kết quả
tự nhiên của sự mách bảo những giá trị tinh thần mà chỉ có một mình bạn biết bạn
có mà thôi. Đừng học người khác để trở thành người thành đạt, cái dở nhất của
nhà trường chúng ta là dạy các tấm gương, xem các tấm gương như những ví dụ để
cho các bạn vươn lên. Không một ai thành đạt được nếu người ta vươn lên để trở
thành một người khác mình. Quy luật phát
triển tất yếu của loài người chính là mình trở thành kẻ có giá trị cao nhất
trong những khả năng của mình. Tính pha trộn của mình với người khác càng
ít bao nhiêu thì giá trị cống hiến của mình đối với xã hội càng lớn bấy nhiêu,
bởi vì giá trị cống hiến của một con người cụ thể, của một cá nhân cụ thể đối
với xã hội chính là nó đóng góp cái phần của nó chứ không phải cái phần nó bắt
chước người ta. Nhưng nếu đem những giá trị cá nhân của mình để đối lập với
những giá trị cá nhân khác thì lại là phá hoại. Hợp tác là quy luật của con người
hiện đại. Làm thế nào để bảo tồn các giá trị riêng của mình một cách thân thiện
trong sự hợp tác như là một quy luật đối với người khác chính là giá trị cao
nhất của trí tuệ của con người hiện đại.
SV: Trong sự nghiệp của mình ông có gặp nhiều may mắn không?
NTB: Bất kỳ một người nào
cũng cần sự may mắn. May mắn như những ân sủng mà thượng đế trả cho sự lương
thiện của con người. Nếu bạn xem may mắn như là một thứ nhặt được một cách ngẫu
nhiên thì bạn không bao giờ gặp may cả, nhưng nếu bạn nghĩ rằng may mắn như một
ân sủng của thượng đế đối với những gì cao quý trong tâm hồn của bạn thì bạn sẽ
may mắn hơn. Cho nên, giá trị của sự may mắn là đem lại lòng biết ơn của mình
đối với những gì thiêng liêng của trời đất. Chính sự quy thuận những giá trị
cao quý mà trời đất dành cho mình là một trong những điểm mấu chốt để giữ cho
con người được lương thiện. Nếu không tôn trọng những giá trị cao quý như vậy,
không tôn trọng sự may mắn thì con người sẽ không khiêm tốn và con người sẽ
không lương thiện. Cho nên, tôi không phải là người chơi số đề với thượng đế để
may mắn nhưng tôi hết sức tôn trọng sự may mắn mà thượng đế dành cho tôi.
SV: Ông có nói rằng một trong những yếu tố tạo nên sự thành
công là lương thiện. Nhưng nhiều người lại cho rằng trong xã hội bây giờ nhiều
khi phải mưu mô một tý, phải đố kỵ, phải luồn lách thì mới sống được. Ý kiến
của ông về vấn đề này như thế nào?
NTB: Bạn nên nhớ rằng,
bây giờ ngoài phố sự lươn lẹo, sự đểu giả, sự lừa đảo nhiều đến mức lương thiện
bắt đầu trở thành của quý rồi. Như tôi đi tìm người lao động, đi tuyển mộ binh
sĩ là tôi đi tìm người luơng thiện và tôi thấy nó hiếm. Bạn vừa nói ra một thực
tế rằng ngoài phố rất nhiều sự lươn lẹo. Nhưng một người có tầm nhìn là một
người phải giữ nguyên sự lương thiện của mình, không để cho mọi sự lươn lẹo đồng
hoá mình, bởi vì đến một lúc nào đó sự lương thiện sẽ trở thành tài sản tinh
thần của bạn. Không ai để cho những kẻ không lương thiện đến gần mình. Những
người thành đạt là những người dày dạn kinh nghiệm để có thể rút ra một kết
luận rằng, những kẻ không lương thiện không được phép đứng cách mình 1m. Bạn muốn
thành đạt thì bạn phải đứng gần hơn 1m đối với những người có kinh nghiệm.
SV: Ông có nói rằng ông nghiên cứu những gì mà những người nổi tiếng như
Lenin thích nhưng ông cũng nói rằng con người nên là chính mình, không nên bắt
chước ai cả. Ông có thể nói rõ hơn về hai vấn đề đó được không?
NTB: Nghe theo hoặc lắng
nghe được tâm hồn của một con người khác rất xa với sự bắt chước. Tôi nghe một
bản nhạc Lenin thích không phải là vì tôi thích Lenin mà tôi muốn tìm hiểu xem
tại sao Lenin lại thích. Nói gì thì nói Lenin là một người thành đạt, một người
thành đạt người ta thích gì thì không phải mình thích theo, mà một người thành
đạt thích gì thì phải đặt ra câu hỏi tại sao người đó lại thích. Tức là ta đi
nghiên cứu quy luật tinh thần của những kẻ thành đạt chứ không phải ta bắt
chước họ. Tôi không khuyến khích ai bắt chước ai cả, bởi vì có bắt chước cũng
không được. Nếu bắt chước mà được thì chúng ta sẽ có một tai nạn rất là khủng
khiếp là tất cả những con khỉ sẽ lên giảng đường nói luyên thuyên cho chúng ta
nghe, bởi vì khỉ bắt chước rất nhanh.
SV: Ông làm thế nào để
dung hòa được giữa việc lo cơm áo gạo tiền với cuộc sống gia đình?
NTB: Nếu người ta sống
một cách cơ học thì người ta buộc phải phân xử những mối quan hệ cơ học giữa
cơm áo gạo tiền với gia đình của họ, chứ nếu người ta sống một cách đúng đắn
thì người ta không phải giải quyết mâu thuẫn này. Ví dụ, tôi là một chủ công ty,
mỗi tháng tôi kiếm được 100 triệu nhưng tôi chỉ đưa cho vợ tôi có 20 triệu, còn
80 triệu tôi đem giấu đi, khi đó mới phát sinh vấn đề gia đình và tiền. Nhưng nếu
tôi nghĩ rằng tôi lấy cô ấy là để cô ấy sinh con cho tôi, còn tôi kiếm ăn là vì
cô ấy và con cô ấy thì tiền lương tôi đưa về cho vợ giữ. Khi vợ là thủ quỹ của
tất cả những chiến lợi phẩm mà mình kiếm được trong cuộc đời thì việc gì phải
giải quyết mâu thuẫn giữa vợ và tiền?
SV: Nhưng làm thế nào để ông vừa hoàn thành được công việc kinh doanh, vừa chăm
nom được gia đình?
NTB: Nếu gia đình tôi gồm
những kẻ cần phải chăm nom thì tôi không phải là con người. Nếu những sản phẩm
tinh thần của tôi gồm những kẻ phải chăm nom thì nguy hiểm lắm. Con tôi, vợ tôi
phải tự chăm nom lấy mình bởi vì họ là người bình đẳng với tôi. Tôi chưa bao
giờ xem vợ tôi là một phó giám đốc gia đình cả, vợ tôi là đối tác của tôi tạo
ra gia đình, cô ấy có giá trị bình đẳng với tôi. Tất cả các con đại bàng khi
bay đều thả mồi về tổ. Nhiệm vụ của tất cả các con trống là bay để kiếm mồi,
còn giữ con, giữ trứng ở trong tổ là việc của con mái, đấy chính là khoa học về
giới. Không có mâu thuẫn nào như vậy xảy ra đối với những người làm việc vì gia
đình. Người ta có thể sống xa vợ, có thể sống xa con nhưng không có nghĩa là không
yêu gia đình. Các bạn tưởng những ông bố tốt không có nhược điểm à? Một ông bố
yêu con mà sống gần con thì rất nguy hiểm cho con bởi vì đứa con sẽ được chiều
chuộng theo cảm giác tự nhiên bản năng của người bố. Cho nên, tôi cho con tôi
ra nước ngoài học rất sớm. Vợ tôi rất sốt ruột, cho rằng chúng còn bé nhưng tôi
bảo rằng cần phải khắc phục tình trạng chúng trở thành những đứa con nhà giầu
bằng cách cho chúng sống trong điều kiện của sinh viên nghèo. Mặc dù chúng tiêu
tiền sẽ tốn hơn nhưng chúng vẫn là sinh viên nghèo bởi vì không phải chúng muốn
gì là được nấy. Tất cả những mâu thuẫn ấy là mâu thuẫn của những mặt không
chính đáng có trong đời sống. Nếu bạn yêu gia đình mình thật sự thì không bao
giờ có những mâu thuẫn như vậy. Bạn đi làm thư ký chẳng hạn, nếu bạn yêu chồng bạn
thật, ông giám đốc có thể tán tỉnh bạn nhưng ông ta không có chỗ trong tâm hồn bạn
nếu chồng bạn đã chiếm chỗ ở đấy rồi. Còn nếu chồng bạn không đủ trọng lượng để
có chỗ trong tâm hồn bạn thì sẽ có ai đó có thể nhảy vào, việc đó là việc tự
nhiên.
Giáo viên: Lúc trước ông đã
nói với các bạn sinh viên là ông không bao giờ thấy khó chịu trước những ý
tưởng khác thường của cấp dưới. Khoa chúng tôi cũng rất khuyến khích sự phát
triển của sinh viên. Chúng tôi nói với sinh viên rằng mỗi người cần phát huy
một tiềm năng nhất định. Chính bản thân sinh viên phải cố gắng để khám phá để
thể hiện mình, tìm hiểu mình là ai và chúng tôi những người làm công tác giáo
dục cũng nhận cho mình một phần trách nhiệm là nuôi dưỡng và phát huy tài năng
của sinh viên. Năm ngoái vì muốn khuyến khích tinh thần doanh nghiệp ở trong
các bạn sinh viên nên cùng với việc khơi dậy sự sáng tạo, chúng tôi còn cho sinh
viên tiếp xúc với các doanh nghiệp. Sau đó, các bạn sinh viên rất hào hứng đưa
ra các ý tưởng kinh doanh. Khi chúng tôi nói rằng mỗi buổi lễ cuối năm ở đây là
một sự kiện của các bạn và chúng tôi muốn các bạn tham gia vào thì các bạn ấy
đưa cho chúng tôi rất nhiều dự án. Có dự án với tổng số tiền lên đến hơn 100
triệu để làm một show có bán vé. Nhưng các bạn sinh viên đưa ra ý tưởng mà
không nghĩ rằng, thứ nhất với kinh nghiệm của mình có thế làm việc đó được không,
thứ hai là ở tại thời điểm mà tất cả các nơi đều tổ chức những show như vậy thì
liệu với chất lượng tổ chức của mình có thu hút được người xem không? Khi đó
chúng tôi nói với các bạn ấy rằng phải đưa dự án chi tiết hơn nhưng các bạn ấy tỏ
ra không hài lòng và cho rằng thầy cô không ủng hộ, không dân chủ. Từ hồi ấy đến
giờ tôi vẫn băn khoăn không biết là các bạn ấy đã cảm thấy thực sự thuyết phục
chưa hay vẫn cảm thấy không thoả đáng. Ông có thể gỡ giúp chúng tôi điều băn
khoăn ấy?
NTB: Tôi hiểu rất rõ sự
băn khoăn của chị nhưng tôi giải đáp bằng cách bình luận sự băn khoăn ấy. Sự
băn khoăn đấy là một giá trị tinh thần bởi vì suy ra cho cùng thì chúng ta đang
sống trong một thời đại mà con người vốn dĩ rất vô trách nhiệm, chẳng ai mất
thì giờ để băn khoăn cả. Sự băn khoăn như thế là dấu hiệu của những quan hệ tốt
đẹp giữa thầy cô giáo với sinh viên. Tôi có đọc một quyển sách của Dale Carnegie,
trong đấy có một lời khuyên của một ông cha cố đối với con trai của mình "Con ơi, nếu con mới 20 tuổi mà con
nghĩ con khôn hơn cha thì cha rất vui. Nếu con 25, 30 tuổi mà con nghĩ con khôn
hơn cha thì cha để yên. 35 tuổi mà con nghĩ con khôn hơn cha thì cha rất buồn
lòng nhưng đến 40 tuổi mà con vẫn nghĩ con khôn hơn cha thì cha sẽ đánh đòn
con". Tôi chỉ chấp nhận những đề xuất điên điên, khùng khùng mà lúc nãy
có bạn sinh viên đã hỏi với những người mới ra trường. Nhưng nếu sau 20 năm hoạt
động mà người đó vẫn đưa ra những đề xuất có chất lượng điên điên, khùng khùng
thì sẽ mất việc bởi vì anh ấy là người điên thật. Bất kỳ một nhà lãnh đạo, một
nhà quản lý nào cũng phải đủ tự do để chấp nhận cái ngây ngô ban đầu cuộc đời
của một con người nhưng phải đủ sáng suốt để can ngăn nó lúc nó đủ bản lĩnh để
không phải phiêu lưu tinh thần thuần túy mà nó gây hại trên thực tế. Cho nên
cùng với thời gian, các bạn sẽ chín chắn dần và giá trị của những đề xuất như vậy
là nỗi xấu hổ sau đó một năm về nó. Sự xấu hổ của những đề xuất điên khùng của
mình sau đó một năm chính là kỷ niệm tinh thần để gắn bó giáo viên với tất cả các
sinh viên, nó tạo ra cái được gọi là lịch sử tình yêu giữa giáo viên và đời
sống tinh thần của sinh viên. Nếu không có điều đấy, chúng ta không có nội dung
sống. Không có cái dại dột, không có cái thời thơ ấu như vậy con người sẽ sống
khô cứng vào những năm 40 của cuộc đời. Tất cả những dại dột, những ngây thơ,
những nhí nhảnh, những ngô ngố ấy tạo ra lịch sử giá trị cá nhân và đấy là niềm
vui tinh thần con người có được khi về già./.
No comments:
Post a Comment