Wednesday, December 3, 2014

Nietzsche’s Madman / Gã điên của Nietzsche

Nietzsche’s Madman / Gã điên của Nietzsche

F.Nietzsche_The MadmanAbstract: In the late of 19th century, the madman in Nietzsche’s parable of “The Madman” declared “God is dead”. Many people thought that Nietzsche had put an end for religious faith, but it was a misunderstanding. In fact, Nietzsche judged all of us to be God’s murderers and he expressed a deep worry about the collapse of moral basis and the risk of losing direction in modern society after the death of God.
Cuối của thế kỷ 19, gã điên trong dụ ngôn “Gã Điên” của Nietzsche tuyên bố “Thượng đế đã chết”. Nhiều người nghĩ rằng Nietzsche đã đặt dấu chấm hết cho đức tin tôn giáo, nhưng đó là một sự hiểu lầm. Thực ra Nietzsche kết tội tất cả chúng ta là những kẻ đã giết Thượng đế và ông bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về sự sụp đổ của nền tảng luân lý và nguy cơ mất phương hướng trong xã hội hiện đại sau cái chết của Thượng đế.

■ ■ ■
Chỉ cần suy nghĩ một chút ta sẽ thấy ngay rằng câu nói “Thượng đế đã chết” hoàn toàn khác với câu nói “Không có Thượng đế”. Theo nghĩa đen, “Thượng đế đã chết” có nghĩa là Thượng đế đã từng sống và bây giờ Ngài đã chết. Đối với người hữu thần (theists), cách giải thích này là vô nghĩa, vì Thượng đế của họ là tự hữu và vĩnh cửu. Đối với người vô thần (atheists), cách giải thích này cũng không phù hợp, vì làm gì có Thượng đế – Thượng đế chưa bao giờ sống và do đó cũng chưa bao giờ chết. Vậy phải hiểu câu nói “Thượng đế đã chết” như thế nào cho đúng?
Phải hiểu đó là “Niềm tin vào Thượng đế đã chết” – một niềm tin cao cả từng tạo nên nền tảng đạo lý cho xã hội Tây phương trong hàng ngàn năm, bây giờ đã lụi tàn.
Một niềm tin quan trọng như thế làm sao có thể lụi tàn?
Hãy đọc “Hành trình về Phương Đông” để tìm câu trả lời ngay từ Lời Mở Đầu:
Trong cuộc sống vội vã, quay cuồng hiện tại, nhiều người đã mất đi niềm tin. Họ quan niệm rằng sống để thụ thưởng, thỏa mãn các nhu cầu vật chất, vì chết là hết. Không có Thượng Đế hay một quyền năng siêu phàm gì hết. Cách đây không lâu, một tờ báo lớn tại Hoa Kỳ đã tuyên bố: Thượng Đế đã chết. Tác giả bài báo công khai thách đố mọi người đưa ra bằng chứng rằng Thượng Đế còn sống… Một nhà thiên văn học tại Trung tâm nghiên cứu Palomar cũng cho biết: Tôi đã dùng kính viễn vọng tối tân nhất, có thể quan sát các tinh tú xa trái đất hàng triệu năm ánh sáng mà nào có thấy Thiên đường hay Thượng Đế cư ngụ nơi nào? Sự ngông cuồng của khoa học thực nghiệm càng ngày càng đi đến chỗ quá trớn, thách đố tất cả mọi sự…(1).
Chỉ bằng một vài dòng như thế, đoạn mở đầu rất ấn tượng nói trên đã khái quá hóa hình ảnh nhân loại trong thế giới ngày nay – một nhân loại kiêu căng tự phụ quá trớn, tưởng rằng với trí khôn khoa học và kỹ thuật sẽ có thể tự quyết định vận mệnh của mình, không cần đến bất cứ một quyền năng siêu phàm nào hết. Đó chính là bối cảnh xã hội Tây phương cuối thế kỷ 19, khi khoa học đạt được những thành tựu lớn lao đến nỗi nó tưởng rằng sắp tìm ra những nguyên lý cuối cùng của vũ trụ cho phép giải thích được mọi hiện tượng, và như thế thì không cần đến Thượng đế nữa. Đó là lúc con người trở nên tự tin và tự phụ hơn bao giờ hết.
Đó cũng là mầm mống bất ổn trong tương lai, bởi lẽ Thượng đế vốn là nền tảng luân lý của xã hội Tây Phương trong hàng ngàn năm trước đó. Sự hạ bệ Thượng đế sẽ tạo ra một khoảng trống lớn về tinh thần mà chưa có gì hoặc không có gì có thể thay thế được. Xã hội có nguy cơ rơi vào tình trạng mất phương hướng và khủng hoảng đạo lý. Đó là lý do ra đời của Dụ ngôn “Gã Điên” của Friedrich Nietsche, một triết gia lớn người Đức thế kỷ 19, người được coi là một trong những đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa vô thần, có ảnh hưởng sâu sắc đối với tư duy của con người trong xã hội hiện đại, nhất là trong nửa đầu thế kỷ 20.
Trong dụ ngôn “Gã Điên”, Nietzsche để cho nhân vật của mình lớn tiếng tuyên bố “Thượng đế đã chết”. Thế là những người vô thần vội bám lấy tuyên bố đó để khẳng định lập trường của họ, rằng niềm tin tôn giáo đã hết thời rồi, hãy vứt bỏ đức tin đi, hãy sống thực dụng, vì chẳng có thần thánh nào hết, chỉ có con người tự quyết định lấy vận mệnh của mình mà thôi.
Tuy nhiên, Nietzsche đã bị hiểu sai, thậm chí đã bị hiểu ngược hoàn toàn với tư tưởng của ông trong Dụ ngôn Gã điên – người ta đã vô tình hoặc cố ý tách tuyên bố “Thượng đế đã chết” ra khỏi ngữ cảnh của nó, ra khỏi toàn bộ câu chuyện của nó, và rốt cuộc làm cho câu nói đó phản lại ý định của Nietzsche.
Vậy thực chất Nietzsche muốn nói gì?
Dụ ngôn “Gã Điên” kể rằng (2):
LanternMột gã điên đốt đèn giữa ban ngày rồi chạy ra chợ kêu la ầm ĩ: “Ta đi tìm Thượng đế! Ta đi tìm Thượng đế”. Trong đám đông đứng vây quanh có nhiều kẻ không tin vào Thượng đế, nên gã điên trở thành một trò cười trước mắt họ. Họ tò mò hỏi nhau không biết cái gã điên ấy đang làm trò gì vậy, và cuối cùng tất cả đều cười váng lên như cười một thằng hề. Nhưng gã điên ấy bỗng nhảy vào giữa đám đông, lườm mọi người bằng ánh mắt như đâm xuyên qua họ, vừa la khóc vừa giảng giải: “Thượng đế đi đâu rồi? Này, ta bảo cho các ngươi biết, chính chúng ta, ngươi và ta, đã giết Thượng đế. Tất cả chúng ta là những kẻ đã giết Thượng đế…”. Rồi gã điên tiếp tục chất vấn đám đông…
Nghe chuyện đến đây, tôi bất giác nhớ đến truyện ngụ ngôn gã mù cầm đèn trong đêm tối: Một gã mù cầm đèn đi trong đêm tối, thiên hạ lấy làm lạ, bèn hỏi: “Anh đã mù rồi còn cầm đèn làm gì? Anh có nhìn thấy gì đâu mà soi đèn?”. Gã mù trả lời: “Ta cầm đèn để những kẻ mắt sáng khỏi đâm vào ta”.
Gã mù này thật thâm thúy, nhưng có lẽ gã điên của Nietzsche còn thâm thúy hơn: gã phải thắp đèn giữa ban ngày để đi tìm Thượng đế, vì gã biết tìm Ngài trong thời buổi này khó khăn lắm, thiên hạ xung quanh gã bây giờ chỉ tin vào miếng ăn, cái mặc, những lợi lộc vật chất thấp hèn, những gì có thể cân đong đo đếm mà thôi! Chao ôi, cái thiên hạ vô minh ấy, phải thắp đèn giữa ban ngày may ra mới làm cho họ chú ý. Mà họ có hiểu gì đâu? Họ vẫn cười cợt chế nhạo đó thôi.
Đó là thiên hạ cuối thế kỷ 19. Chắc Nietzsche phải thất vọng lắm với cái thiên hạ ấy nên ông mới phải dùng đến hình thức dụ ngôn để đánh động đến lương tri của họ. Nếu ông sống tới ngày nay, không biết ông sẽ phải làm thế nào để đánh thức nhân loại?
Cá nhân tôi, bao lâu nay tôi cứ ngỡ rằng phải đợi đến thế kỷ 20, khi chủ nghĩa thực dụng thắng thế thì sự tha hóa của con người mới bộc lộ rõ rệt. Nhưng hóa ra không phải, ngay từ cuối thế kỷ 19 sự tha hóa ấy đã làm cho những người sâu sắc như Nietzsche phải băn khoăn lo lắng lắm rồi. Thật vậy, sau khi kết tội chính con người đã giết Thượng đế, một việc mà Nietzsche coi là tầy trời, ông chất vấn xã hội hiện đại về cái việc tầy trời ấy bằng câu hỏi thậm xưng:
Nhưng chúng ta đã làm điều này như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể uống cạn biển cả?… Chúng ta đang làm gì khi tách trái đất ra khỏi mặt trời của nó?
Bằng những lời nặng nề, gã điên kết tội hành vi giết Thượng đế như một tội lỗi kinh khủng nhất:
Làm thế nào để chúng ta an ủi bản thân mình, những kẻ giết người của tất cả những kẻ giết người? Đấng thiêng liêng nhất và mạnh mẽ nhất mà thế gian đã có nay đã bị chảy máu đến chết dưới lưỡi dao của chúng ta: ai sẽ lau sạch máu khỏi chúng ta? Có thứ nước nào để rửa sạch chúng ta?
Rồi Nietzsche rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh tình trạng mất phương hướng của xã hội hiện đại sau khi Thượng đế đã bị giết. Thật vậy, gã điên chất vấn đám đông:
Rồi trái đất sẽ đi về đâu? Chúng ta sẽ đi về đâu?
Nhưng gã điên thất vọng, vì thấy thiên hạ vẫn chìm trong cơn mê sảng, vô minh, tăm tối, không hiểu những lời gã cảnh báo. Gã cảm thấy tư tưởng của gã đã đi trước thời đại, gã nhìn thấy trước những gì thiên hạ chưa nhìn thấy. Nietzsche viết trong đoạn kết:
Gã điên thấy xung quanh yên lặng, gã lại nhìn đám đông; đám đông cũng yên lặng nhìn chòng chọc vào gã với vẻ ngơ ngác ngạc nhiên. Cuối cùng gã vứt cái đèn xuống đất, vỡ tan, rồi bỏ đám đông mà đi, thầm nghĩ “ta đến sớm quá, chưa đến thời của ta”… gã thất vọng vì lời giảng của gã không lọt tai họ… Gã biết rằng sự thật cần có thời gian để sáng tỏ…
Với tất cả những gì vừa trình bầy ở trên, khó có thể quy kết Nietzsche là người đã hạ bệ Thượng đế. Sự thực là chính Nietzsche đã là người cảnh báo hậu quả khôn lường của hành vi hạ bệ đó. Rõ ràng là người đời đã vô tình hoặc cố ý hiểu sai Nietzsche. Rõ ràng là người ta đã cố tình tách một câu nói có tính chất than trách của gã điên, rằng “Thượng đế đã chết”, ra khỏi toàn bộ câu chuyện, rồi lấy câu nói ấy làm bằng chứng giả cho chủ nghĩa vô thần. Những người không đọc Nietzsche sẽ dễ dàng mắc phải cái bẫy này. Nhưng những người đã đọc Nietzsche thì không thể mắc vào cái bẫy ấy, nếu không, chính người ấy là kẻ giăng bẫy.
■ ■ ■
Để có một cái nhìn khách quan hơn về Nietzsche, xin trích một ý kiến trên trang mạng “Những vấn đề triết học” (Philosophy Index) (3):
p31_post9
Trong các tác phẩm của mình Friedrich Nietzsche đã vài lần đưa ra lời tuyên bố nổi tiếng, rằng “Thượng đế đã chết”. Nhưng ý nghĩa của câu nói ấy thường bị hiểu sai – nhiều người diễn giải rằng Nietzsche tin vào cái chết hoặc sự kết thúc của Thượng đế theo nghĩa đen. Nhưng thực ra, câu nói ấy hướng sự chú ý vào chỗ dựa của thế giới Tây Phương vào tôn giáo như một nền tảng đạo đức và cội nguồn của ý nghĩa cuộc sống. Các công trình của Nietzsche thể hiện một nỗi sợ hãi rằng sự suy giảm của tôn giáo và sự tăng trưởng của chủ nghĩa vô thần, và sự thiếu vắng của một thẩm quyền đạo đức cao hơn sẽ đẩy thế giới vào tình trạng hỗn loạn. Thế giới Tây Phương đã phụ thuộc vào những lề luật của Chúa trong hàng ngàn năm – lề luật ấy làm cho xã hội có trật tự và cuộc sống có ý nghĩa. Thiếu vắng lề luật đó, Nietzsche viết, xã hội sẽ rơi vào một kỷ nguyên của chủ nghĩa hư vô. Mặc dù về nguyên tắc Nietzsche bị xem như một người theo chủ nghĩa hư vô, nhưng chính ông lại hay phê phán chủ nghĩa đó và cảnh báo rằng việc chấp nhận chủ nghĩa hư vô sẽ nguy hiểm.
NietzscheNgày 22/08/2012, trong một bài báo nhan đề “Nietzsche đã giết Thượng đế như thế nào” (How Nietzsche killed God) , Mark Beuving viết (4):
Vào lúc Nietzsche xuất hiện trên sân khấu cuộc đời, thiên hạ không còn cần đến Chúa nữa. Khoa học đã giải thích mọi bí mật của thế giới, và cuối cùng Darwin đã nêu lên một học thuyết mới giải thích nguồn gốc sự sống… Nhưng Dụ ngôn của Nietsche không hề chống đối tôn giáo. Mặc dù Nietzsche có những vướng mắc lớn với tổ chức Thiên Chúa giáo, nhưng ông ngưỡng mộ Chúa Jesus. Nietzsche không hề cố gắng làm cho mọi người từ bỏ đức tin. Ngược lại, ông thừa nhận rằng con người cần phải hướng tới những giá trị tinh thần nào đó để tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Trong dụ ngôn “Gã Điên”, Nietzsche nhấn mạnh một cách hợp lý đến hậu quả của việc đánh mất đức tin. Đám đông ở chợ không tin vào Chúa, nhưng trong một phạm vi rộng hơn cuộc sống của họ vẫn được định hình bởi một nền văn hóa đã in đậm dấu ấn của đức tin này. Nietzsche cảnh báo chúng ta rằng nếu Thượng đế đã chết thì mọi thứ sẽ biến đổi… Ông nói rằng Thượng đế đã chết và Ngài phải được thay thế bởi một cái gì khác. Thực tế là trong thời đại hậu-Thế kỷ Ánh Sáng, đức tin vào Chúa đã bị thay thế bởi niềm tin vào khoa học. Nhưng Nietzsche, mặc dù bản thân ông là vô thần, đã cố nhấn mạnh rằng con người không thể sống mà không có đức tin vào một cái gì cao cả…
■ ■ ■
Đến đây mọi điều đã rõ. Gã điên của Nietzsche chẳng điên chút nào. Chính những kẻ không có đức tin cười cợt chế nhạo gã ở ngoài chợ mới là một lũ điên. Họ điên vì họ không hiểu ý nghĩa cuộc sống của họ là gì. Họ điên vì họ là những kẻ đã giết Thượng đế mà không ý thức được hành vi táo tợn tội lỗi của mình. Vâng, mọi sự điên rồ đều xuất phát từ sự vô minh, không ý thức được tội lỗi của bản thân.
Chúng ta là những kẻ hậu sinh sinh ra trong thế kỷ 20 và đang sống trong thế kỷ 21. Chúng ta có đủ điều kiện để thấy rõ sự thật hơn những người cùng thời với gã điên của Nietzsche.
Lịch sử thế kỷ 20 chứng tỏ Nietzsche là một tiên tri – những gì diễn ra trong thế kỷ 20 cho thấy xã hội loài người quả thật đã rơi vào khủng hoảng đạo đức và mất phương hướng trong việc xác định ý nghĩa cuộc sống.
Nhưng trớ trêu thay, Nietzsche lại được xem như người có ảnh hưởng rất lớn đến những triết thuyết của thế kỷ 20, đơn giản vì Nietzsche được xem là người đã hạ bệ thần thánh và đề cao vai trò của con người.
Ảnh hưởng rõ rệt nhất của Nietzsche trong thế kỷ 20 là sự ra đời của Chủ nghĩa Hiện sinh (Existentialism). Một trong những đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa này là Jean Paul Sartre, người từng đoạt Giải Nobel văn chương năm 1964. Sartre cũng từng nhắc lại câu nói nổi tiếng của Nietzsche, rằng “Thượng đế đã chết”, nhưng với một ý đồ hoàn toàn khác – ý đồ đề cao con người, con người với cái tôi cá nhân vô giới hạn. Không có thần thánh gì hết, hãy sống, hãy hiện sinh với cái tôi của mình. Đó là lý do để các chàng trai trong nhóm nhạc Beatles nổi tiếng trong thập kỷ 1960 ra đường cởi trần, để tóc dài bù xù, mặc quần jean rách đầu gối. Họ muốn nói với thế giới rằng từ nay con người không cần tuân thủ một ràng buộc nào nữa, hãy sống tự do hết mình. Bản thân sự tồn tại là ý nghĩa, vậy hãy tận hưởng sự tồn tại đó. Thậm chí, trào lưu này tuyên bố, cuộc sống là vô nghĩa, mọi ý nghĩa là do con người tự tạo ra, bịa đặt ra. Ta là chúa, ta là thần thánh của chính ta… Kiểu tư duy này rất gần với Chủ nghĩa Hư vô (Nihilism). Và như đã dẫn ở trên, chủ nghĩa hư vô rất nguy hiểm, bởi nó phủ nhận mọi ý nghĩa và mục đích của cuộc sống, phủ nhận những giá trị thuộc phần bên trong của con người.
Theo một chiều hướng khác, ảnh hưởng của Nietzsche nằm ngoài ý muốn của ông, rằng vì không có thần thánh gì hết, tất cả đều là con người vật chất, và do đó, con người có thể sống theo luật sinh tồn mà Chủ nghĩa Darwin đã tuyên bố. Đó là lý do để con người làm bao nhiêu việc tội lỗi trong thế kỷ 20, giết chóc tàn sát lẫn nhau không thương tiếc. Có lẽ tổng số người bị tàn sát trong tất cả các thế kỷ trước cộng lại cũng không bằng con số bị tàn sát trong thế kỷ 20 – một sự thoái hóa kinh khủng chưa từng có, trái ngược hoàn toàn với khái niệm tiến hóa mà nền văn minh hiện đại lúc nào cũng rêu rao, phô diễn. Khoa học kỹ thuật tiến hóa bao nhiêu thì ý thức làm người thoái hóa bấy nhiêu. Điều này thật dễ hiểu: với học thuyết Darwin, con người bây giờ không còn là sản phẩm do Chúa tạo ra nữa, mà đơn giản chỉ là kết quả tương tác vật chất mà thành. Phần vật chất trong con người mới là phần có thật, còn phần tinh thần chỉ là phần hư vô, là kết quả của hoạt động vật chất, do vật chất quyết định. Vậy thì lương tri cũng chỉ là sản phẩm hư vô mà thôi. Lương tri có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh vật chất thay đổi.
Nhìn lại thế kỷ 20, ta thấy một sự tương phản rõ rệt giữa những trang sáng lạn của khoa học với những trang đen tối của thân phận con người. Trong thế kỷ này, đúng như Nietzsche đã tiên đoán, con người đã giết Thượng đế để rồi trở nên sa đọa, hư hỏng, tàn bạo và điên rồ chưa từng thấy… Không cần phải làm bản thống kê về nỗi đau khổ của con người trong thế kỷ này, vì nó đã quá rõ, quá khủng khiếp mà những người cao tuổi hiện nay đều thấy rõ. Trong thời buổi internet hiện nay, mọi sự thật đều được phơi bày. Càng biết rõ, càng đau lòng hơn, và càng muốn tìm hiểu nguyên nhân thực sự dẫn tới nỗi đau khổ ấy là cái gì.
Và chẳng khó khăn gì lắm để thấy những nguyên nhân đó.
Nietzsche đã cảnh báo loài người từ cuối thế kỷ 19 rồi, rằng việc con người giết chết Thượng đế sẽ tạo ra một khoảng trống đạo đức và một tình trạng mất phương hướng trong xã hội. Thay vì làm hỏng cái gì thì nên làm lại từ đầu. Nhưng loài người mắc phải căn bệnh tự phụ khó chữa. Họ luôn luôn muốn tìm ra những triết thuyết mới, tưởng rằng những triết thuyết ấy sẽ là cứu cánh. Nhưng thực tế luôn chứng minh rằng mọi triết thuyết không có Thượng đế đều hỏng, đều thất bại. Con người xa rời Thượng đế sẽ không còn là con người nữa!
Notre Dame
Thật vậy, với những học thuyết không có Thượng đế, con người bỗng trở thành những sinh vật đầy bệnh hoạn, đáng bị lên án. Điển hình là con người trong con mắt của những nhà phân tâm học lớn trong thế kỷ 20: Sigmund Freud trong nửa đầu thế kỷ 20 và André Bourguignon trong nửa sau thế kỷ 20.
Đối với Freud, con người bị chi phối hoàn toàn bởi 2 bản năng vô thức đối lập, đó là Eros và Thanatos (5). Eros là bản năng dục tính kích thích mọi ham muốn, kể cả ham muốn sáng tạo. Thanatos là bản năng muốn chết, bản năng phá hoại, bản năng thúc đẩy con người tới những hành động chiến tranh, giết chóc. Ông chua chát kết tội con người rằng “homo homini lupus” (người với người là lang sói). Freud dường như không nhìn thấy ánh sáng nào của Thượng đế trong tâm hồn con người. Ông không tin vào Thượng đế, vì thế tương lai của nền văn minh trong mắt ông là một mầu đen u ám. Tác phẩm Civilisation and Its Discontents (Nền văn minh và những bất mãn của nó) của ông thể hiện một nỗi bi quan sâu sắc đến nỗi ông coi nền văn minh chỉ là không gian chứa đựng các mối xung đột mà thôi. Với Freud, xung đột và chiến tranh là tất yếu không thể tránh khỏi, bởi mầm mống của nó đã nằm sẵn trong bản năng con người.
André Bourguignon không tán thành quan điểm ấy. Cách nhìn đó quá bi quan và dường như phủ một bóng đen tuyệt đối lên tương lai của loài người. Điều này thật khó chấp nhận.
Tuy nhiên Bourguignon vẫn phải thừa nhận rằng loài người đã tự đặt mình xuống dưới loài vật khi tiến hành những cuộc chiến tranh trong loài, vì chỉ có loài người mới tiến hành những cuộc tàn sát trong loài. Không thừa nhận hành vi này là bản năng, nhưng Bourguignon gọi đó là tính cách điên rồ. Những năm cuối đời, ông tập trung nghiên cứu lịch sử tự nhiên của con người để chứng minh cái điên rồ ấy.
Tập I đã ra mắt với tiêu đề “L’Homme Fou” (Con người điên rồ)
Tập II đã ra mắt với tiêu đề “L’Homme Imprévu” (Con người không thể đoán trước). Trong cuốn này, ông lại dành hẳn một chương để nói về “Bạo lực và giết nhau trong loài” của loài người và một chương phân tích “Sự điên rồ của con người”.
Vậy là từ Nietzsche tới Bourguignon, cách nhau khoảng một thế kỷ, cả hai đều đề cập tới khái niệm con người điên rồ.
Như đã nói ở trên, gã điên của Nietzsche chẳng điên tí nào, bởi vì gã tỉnh táo nhìn thấy sự thật mà những người khác không nhìn thấy. Ngược lại, chính đám đông xung quanh gã mới là những kẻ điên rồ, vì họ đã làm một việc táo tợn là giết chết Thượng đế mà không ý thức được hậu quả sẽ đến, họ không hiểu ý nghĩa cuộc sống là gì, chìm đắm trong những cuộc đấu tranh sinh tồn đến mức sẵn sàng lao vào những cuộc tàn sát trong loài, tự hạ mình xuống dưới động vật, như André Bourguignon nhận định.
Nghiên cứu tư tưởng của Bourguignon là điều rất thú vị và bổ ích. Nhưng bài viết này đã quá dài. Xin dành chủ đề “Con người điên rồ” của Bourguignon cho bài kỳ sau.
Thay cho kết luận, xin nhắc lại câu hỏi của gã điên:
if-you-dony-know-where-youre-going-any-road-will-take-you-thereTrái đất sẽ đi về đâu? Chúng ta sẽ đi về đâu?”. Đó là câu hỏi cho thế kỷ 21.
PVHg, Sydney 27/11/2014
Chú thích:
(1): “Hành trình về Phương Đông”, Baird Spalding, bản dịch của Nguyên Phong, NXB Người Việt ở Mỹ tái bản 1989 (Nguyên tác: Journey to the East, Baird Spalding, Adyar, India 1924)
(2): Cách viết của Nietzsche mang tính cường điệu hoặc bóng bẩy, rất khó dịch, nên tôi chỉ lược dịch hoặc tóm tắt bằng chữ viết nghiêng, in đậm.
(3): http://www.philosophy-index.com/nietzsche/god-is-dead/
(4): http://facultyblog.eternitybiblecollege.com/2012/08/how-nietzsche-killed-god/
(5): Xem “Luận về bản tính Thiện/Ác: Học thuyết của Sigmund Freud” của Phạm Việt Hưng trên tạp chí Khoa học & Tổ quốc Tháng 10/2011 và trên các trang mạng:
Vietsciences:
http://vietsciences.free.fr/timhieu/trietly-giaoduc/luanvethienac.htm
REDS.VN Kênh chia sẻ kiến thức cộng đồng:
http://reds.vn/index.php/tri-thuc/triet-hoc/2563-ban-tinh-thien-ac-sigmund-freud
Đan Hùng Tín Blogpost:
http://danhungtin.blogspot.com.au/2012/03/luan-ve-ban-tinh-thien-ac-pham-viet.html

Nguồn: PhamVietHung’s Home.

No comments:

Post a Comment