Saturday, November 29, 2014

Hình luật và thể chế kinh tế thị trường

Đinh Thế Hưng (*)
Thứ Năm,  12/6/2014, 09:25 (GMT+7)









Nếu thị trường thông thoáng trong giao lưu, Nhà nước phản xạ nhanh trong điều tiết hàng hóa và quản lý thì cơ hội để mua vét hàng hóa bán lại với giá cắt cổ không có cơ sở để tồn tại.
 
(TBKTSG) - Trong tất cả các bản án, dù kết tội các bị cáo bằng những chế tài nghiêm khắc, các cơ quan tư pháp đều không quên kiến nghị về việc hoàn thiện pháp luật, chấn chỉnh quản lý trong lĩnh vực kinh tế. Tội phạm và tội phạm kinh tế có nhiều nguyên nhân nhưng đừng để thể chế và luật pháp đẻ ra tội phạm.

Bên cạnh Hiến pháp, hệ thống pháp luật về kinh tế, pháp luật hình sự cũng cần có sự điều chỉnh để phù hợp trong lộ trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường.

Hình luật tránh tạo bất an

Thể chế kinh tế là trạng thái, trật tự được thiết lập bởi các quy tắc mà trong đó các hoạt động kinh tế vận hành. Không phải là tất cả nhưng luật pháp, bao gồm luật hình sự, đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập nên trạng thái, trật tự đó. Thể chế kinh tế sẽ ngột ngạt khi hình luật xuất hiện không đúng lúc, đúng chỗ.

Trong thời đại văn minh, bất cứ thương nhân nào có lẽ cũng quan tâm tới việc đồng tiền bát gạo của mình sẽ được bảo vệ ra sao và khi đặt bút ký khế ước thì trường hợp nào bị bỏ tù. Sẽ là một thể chế kinh tế an toàn và lành mạnh nếu rành mạch được điều đó. Vừa ký vừa run là trạng thái tâm lý không đáng có trong kinh doanh. Nếu có run thì run vì cái khác.

Luật hình sự có độ “phủ sóng” tới tất cả các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực liên quan tới kinh tế như sở hữu, kinh doanh, phân phối, sử dụng nguồn tài nguyên... và cả hoạt động của nhân viên công quyền trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, hình luật có tác động rất rộng đến thể chế kinh tế.
Sau khi Nga bắt tỉ phú Khodorkovsky và một bản án gây tranh cãi được tuyên thì nhiều người nghi ngại môi trường kinh doanh đầy bất an của nền kinh tế chuyển đổi này. Khi một doanh nhân đi tù, thị trường tài chính có thể rúng động, sản xuất đình đốn, hàng ngàn người có nguy cơ mất việc làm... Thị trường sẽ khôi phục rất nhanh nếu cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật. Sẽ là ngược lại nếu nó phản ánh sự bất định của thể chế.

Hình luật canh giữ cho thể chế
Số doanh nhân đi tù tăng lên có thể là thành tích của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng chưa chắc là thước đo chất lượng của thể chế.

Buôn lậu, trốn thuế, làm hàng giả, lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh... cũng như nhiều tội phạm khác trong lĩnh vực kinh tế tồn tại trong hình luật của rất nhiều quốc gia. Nhưng quy định về nó thế nào và trừng phạt nó ra sao thì không phải quốc gia nào cũng giống nhau. Có thể giải thích việc này từ góc độ quan niệm và sự vận hành thực tế của thể chế kinh tế từng quốc gia.

 Từ khi đổi mới đến nay chúng ta đã có hai Bộ luật Hình sự. Sự thay thế bộ luật này bằng bộ luật kia phản ánh nhiều khía cạnh, trong đó có việc thay đổi các quy định về tội phạm và hình phạt để phù hợp với thể chế kinh tế mới. Hàng loạt những tội phạm hiện diện trong Bộ luật Hình sự 1986 phản ánh thể chế kinh tế cũ, mà nói ra những người trẻ tuổi có thể không tin, đã biến mất khỏi Bộ luật Hình sự 1999. Ví dụ như tội lạm sát gia súc, nôm na là giết trâu giết bò nhiều ảnh hưởng đến sức kéo trong nông nghiệp. Không đánh giá đúng sai nhưng rõ ràng tội phạm đó không có cơ sở tồn tại trong thể chế kinh tế thị trường với quy luật cung cầu.

Hình luật tác động đến thể chế kinh tế chẳng qua là một biểu hiện can thiệp của nhà nước vào thị trường, nói rộng hơn là nhà nước nằm ở đâu trong thể chế kinh tế thị trường, cái mà lâu nay người ta vẫn tranh luận. Xét cho cùng đây là vấn đề của luật công và luật tư trong thể chế kinh tế.

Hình luật tĩnh cần theo thể chế động

Hình luật cần ổn định nhưng thể chế luôn bám theo sự năng động khó lường của thị trường. Tội cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là tội phạm thú vị trong luật hình sự Việt Nam bởi người ta phải dựa vào các quy định về quản lý kinh tế trong các lĩnh vực khác nhau để định tội. Các quy định về quản lý kinh tế thì vô cùng đa dạng, phức tạp và thay đổi liên tục nhiều khi không theo kịp thực tế đời sống. Văn bản chồng văn bản, văn bản không rõ ràng, thậm chí có khoảng trống khiến cho người áp dụng pháp luật lúng túng và tranh cãi về sự mập mờ của tội danh nào đó là điều dễ hiểu.

Từ đó, đặt ra cho hình luật yêu cầu cần quy định cụ thể các loại tội danh trong các lĩnh vực quan trọng của thị trường như thuế, ngân hàng, bảo hiểm, đất đai, chứng khoán, cạnh tranh. Bởi đối với các lĩnh vực này, hành vi phạm tội không chỉ xâm phạm lợi ích tư mà còn lợi ích công. Còn các lĩnh vực khác liên quan đến lợi ích tư như sở hữu, uy tín kinh doanh... mà quyền lực không cần can thiệp hoặc can thiệp ở mức độ quản lý, chấn chỉnh thì trả lại cho các chủ thể của thị trường tự định đoạt.

Thể chế cần thông thoáng và sự thỏa thuận luật chơi được ưa thích hơn là sự can thiệp của công quyền, nhưng hình luật mang tính quyền lực nhà nước với sự trừng trị là thuộc tính. Chính vì vậy cần ưu tiên bảo vệ các chủ thể phi nhà nước khi chúng bị xâm hại bằng sự thỏa thuận và đền bù hơn là hình phạt. Hình luật chỉ ra tay bảo vệ khi có hành vi xâm phạm lợi ích và trật tự công hoặc dành cho người trong bộ máy công quyền gây ra.

Hãy lấy roi vọt của thị trường thay cho hình phạt, lấy trừng phạt bằng kinh tế (phạt tiền) thay cho tước bỏ tự do. Đó là xu hướng của hình luật. Mở rộng hình phạt tiền và hạn chế phạt tù là phương án được nhiều người đề cập.

Tội đầu cơ đang tồn tại trong Bộ luật Hình sự nhưng thực tế xử lý tội này không nhiều. Bởi lẽ, nếu thị trường thông thoáng trong giao lưu, Nhà nước phản xạ nhanh trong điều tiết hàng hóa và quản lý thì cơ hội để mua vét hàng hóa bán lại với giá cắt cổ không có cơ sở để tồn tại. Tội cho vay nặng lãi và tín dụng đen sẽ không có lý do xuất hiện khi hệ thống ngân hàng dồi dào thanh khoản, lãi suất hấp dẫn và có thủ tục dễ dàng cho người ta tiếp cận vốn...

Từ đó cho thấy hình phạt không phải là cái duy nhất để hạn chế một tội phạm nào đó. Cái quan trọng vẫn là tiêu diệt những nền tảng tồn tại của tội phạm kinh tế. Đó chính là sự minh bạch, ổn định, “việc hình việc hộ phân minh” của thể chế kinh tế và vai trò điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

(*) Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

No comments:

Post a Comment