Friday, August 27, 2010

Lòng tham và nỗi sợ


Vũ Tiến Phúc

(minh họa: Khều)
(TBKTSG) - Ông Nam, một nhà đầu tư chứng khoán thành đạt, từ một nhân viên “quèn” nay trở thành tỉ phú “có hạng” ở thành phố. Tôi hỏi ông bí quyết thành công, ông nói chẳng có bí quyết nào, kinh doanh chứng khoán cũng giống như mua bán mọi thứ khác, muốn thắng thì phải “mua rẻ, bán đắt”, quan trọng là biết lợi dụng hai trạng thái tâm lý của đám đông khi thị trường biến động, đó là “lòng tham” và “nỗi sợ hãi”. 



Khi giá lên, ai cũng “tham” chờ cho giá lên nữa mới bán ra, đẩy giá thị trường lên quá cao so với giá trị thực dẫn đến nổ “bong bóng”, còn khi giá xuống, ai cũng “sợ” giá sẽ còn xuống nữa nên đua nhau “tháo chạy”. Đó là lúc những bậc “cao thủ” như ông nhảy vào kiếm lời. Có người nói, lòng tham và nỗi sợ chính là thủ phạm làm sụp đổ thị trường chứng khoán Phố Wall vừa qua.
Không rõ ý kiến trên đúng hay sai, nhưng nếu nhìn thế giới quanh ta mà suy ngẫm thì thấy có rất nhiều hiện tượng xã hội đang diễn ra đều bắt nguồn từ “lòng tham” và “nỗi sợ” của con người.
Trong các loại tham, bức xúc nhất hiện nay là tham nhũng, tham quyền, tham danh lợi và hưởng lạc, và những biến tướng như tham chiếm đất (dù đất đai thuộc sở hữu toàn dân), tham tập đoàn lớn (dù năng lực nhỏ), tham bằng cấp (dù là bằng giả), tham “của lạ” (dù đáng tuổi con cháu mình)…
Về nỗi sợ, bên cạnh những lo ngại thường trực về đạo đức xuống cấp, sự tụt hậu, các loại “diễn biến”, nay xuất hiện thêm những nỗi hãi hùng rất đáng quan tâm, từ ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu - nghèo (dù GDP liên tục tăng), tàu lạ bắt cóc ngư dân (dù trong vùng biển của nước mình), cho đến những chuyện thường ngày như cúp điện, kẹt xe (dù không phải giờ cao điểm)…
Chưa kể những nỗi sợ có phần vu vơ, thiếu căn cứ, như sợ nói thật vì “dân trí còn thấp”, sợ kỷ luật cán bộ vì “lấy đâu ra người làm việc”, sợ trường học dạy quá kém nên phải để con em mình ra nước ngoài học ngay từ bậc tiểu học (nỗi sợ chỉ dành riêng cho nhà giàu, không sợ mất gốc!). Danh sách các loại tham và sợ hãi ngày càng dài ra, không sao kể xiết.
Nhưng cần phân biệt tham lam với ham muốn. Ham muốn là điều cần thiết cho sự sinh tồn và phát triển của con người. Nếu con người không còn ham muốn, thì sống cũng như chết, nói gì đến sự vươn lên và tiến bộ. Ngược lại, tham lam, theo định nghĩa phổ biến, là “ham muốn quá đáng, quá mức cần thiết”. Tham lam là một bản tính xấu của con người, vì cái gì quá đáng cũng đều có hại. Ông cha ta có câu “tham thì thâm”.
Cách đây hơn hai ngàn năm, Lão Tử đã nhận ra lòng tham là nguồn gốc gây tai họa cho con người, nên ông đã đưa ra lời khuyên “tri túc”: “Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy”. Thiên Chúa giáo coi tham lam là một tội lỗi xấu xa. Đạo Phật dạy các Phật tử không chỉ từ bỏ lòng tham mà còn tránh tất cả các dục vọng khác.
Thế nhưng, lòng tham là thứ mà con người rất khó từ bỏ. Có một nhà văn nói: “Con người lúc sinh ra có đủ bản tính trung thực, dũng cảm, và tham lam, nhưng khi lớn lên thì đa số chỉ giữ lại lòng tham”. Điều đáng buồn là khi xã hội càng phát triển thì lòng tham không giảm đi mà còn tăng lên. Một trăm năm trước, M.Gandhi, lãnh tụ tinh thần của Ấn Độ, từng nói: “Trái đất có đủ mọi thứ để đáp ứng mọi nhu cầu của loài người, nhưng không đủ cho lòng tham của con người”.
Đúng như vậy, do lòng tham vô độ, “làm giàu với bất cứ giá nào” nên con người lao vào tàn phá tài nguyên thiên nhiên không thương tiếc, phá vỡ cân bằng sinh thái, biến trái đất xanh tươi màu mỡ thành nơi hoang tàn, chứa nhiều hiểm họa, đe dọa sự tồn vong của chính con người, đến nỗi nhà bác học lừng danh, Stephen Hawking, mới đây đã phải đưa ra giải pháp “siêu viễn tưởng” là con người phải gấp rút tìm kiếm hành tinh khác để ở, nếu muốn duy trì sự tồn vong của mình. Chưa biết bao giờ con người tìm được hành tinh mới, nhưng nếu cứ tiếp tục tàn phá môi trường sống với tốc độ như hiện nay, loài người sẽ tiêu vong trước khi tìm đến hành tinh khác.
Theo tâm lý học, sợ hãi là phản ứng tự nhiên của con người (hoặc chống lại, hoặc bỏ chạy) trước các nguy cơ đe dọa đối với mình. Nó là cơ chế cần thiết cho sự sinh tồn. Sợ hãi có mặt trái là nó khiến con người trở nên nhu nhược, hèn nhát, không dám làm gì, hoặc có hành động cực đoan. Để chế ngự sợ hãi, con người phải có niềm tin ở bản thân, biết dựa vào sức mạnh bên ngoài. Nhiều người còn cầu đấng siêu nhân phù hộ, nhưng quyết định vẫn ở bản thân mình, vì “Trời chỉ giúp kẻ biết tự cứu mình”. Mặt khác, sợ hãi (cái đáng sợ, chứ không phải cái vu vơ) cũng có mặt tích cực, hữu ích, nó giúp con người có biện pháp ngăn chặn, đối phó trước các nguy cơ đe dọa. Biết sợ “đạo trời” trừng phạt, con người sẽ không dám liều lĩnh có những hành vi xấu, hoặc gây tội lỗi.
Do vậy, người ta có thể dùng “nỗi sợ” để răn đe, hạn chế, chống lại các thói hư tật xấu, như các loại tham lam kể trên. Tuy nhiên, nếu vì “lòng tham vô đáy” mà ai đó không còn biết sợ hãi, ngang nhiên “coi trời bằng vung”, xem thường pháp luật và táng tận lương tâm, thì họ chỉ còn cách ngồi chờ tai họa tất yếu ập đến, vấn đề là sớm hay muộn mà thôi.